Quảng Nam khuyến khích trồng rừng gỗ lớn theo chuẩn quốc tế FSC

15:36' - 11/09/2018
BNEWS Chuyển dần từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn đang là hướng đi được tỉnh Quảng Nam khuyến khích mở rộng, nhằm nâng cao giá trị kinh tế rừng.
Quảng Nam chuyển dần từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Hiện nay, ở nhiều nơi trong tỉnh Quảng Nam, người trồng rừng gỗ lớn đã liên kết thành mô hình hợp tác xã có đăng ký cấp chứng chỉ rừng quốc tế gắn với chế biến gỗ sau thu hoạch.
Tỉnh Quảng Nam có khoảng 92.000 ha diện tích rừng sản xuất, trong đó người dân chủ yếu trồng cây keo nguyên liệu dùng để chế biến dăm keo, diện tích rừng keo trồng để lấy gỗ lớn chỉ khoảng 16.000 ha.
Xã Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức có thế mạnh về phát triển kinh tế rừng, với tổng diện tích rừng sản xuất trên 1.600 ha, trong đó 600 ha là rừng trồng cây keo gỗ lớn đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn rừng quốc tế FSC (Hội đồng quản lý rừng).
Được thành lập cách đây hơn 1 năm, Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Thuận là hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng gỗ lớn và chế biến gỗ đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.
Hiện nay, Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Thuận đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 123 hộ dân trong và ngoài xã, với tổng diện tích khoảng 750 ha rừng keo gỗ lớn có giấy chứng nhận FSC, phục vụ cho việc sơ chế gỗ cây thành gỗ miếng, cung cấp cho các nhà máy sản xuất gỗ ghép thanh công nghiệp.
Mặc dù, thời gian thu hoạch gỗ lớn phải từ 7 năm trở lên so với 4- 5 năm của cây gỗ keo nguyên liệu nhưng trồng rừng gỗ lớn mang lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều.
Ông Ngô Văn Dũng, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Thuận cho biết, trước đây, phần lớn người dân chỉ trồng cây keo nguyên liệu vì sớm cho thu hoạch để quay vòng vốn.
Tuy nhiên, khi diện tích trồng keo nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được mở rộng, giá thu mua gỗ keo để chế biến dăm keo hạ xuống thấp, người trồng keo hầu như không có lãi.

Trên thị trường hiện nay, giá gỗ keo nguyên liệu dùng để sản xuất dăm keo chỉ khoảng 850 ngàn đồng/ tấn, trong khi 1 tấn gỗ keo lớn có giá 1,3 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Thuận luôn cam kết thu mua gỗ keo lâu năm cho các thành viên hợp tác xã cao hơn từ 15%- 20% so với giá thị trường. Nếu tính bình quân 1 ha, người trồng gỗ keo nguyên liệu thu được 40- 45 triệu đồng sau 5 năm, nhưng người trồng keo gỗ lớn trong vòng 7 năm sẽ thu được 150 triệu đồng.
Mặt khác, khi cây keo bước sang tuổi thứ 5 tốc độ sinh trưởng của cây bước vào giai đoạn phát triển mạnh, người trồng không tốn nhiều công cho việc chăm sóc, sản lượng gỗ đạt cao.
Theo ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Thuận, để trồng rừng gỗ lớn quan trọng nhất phải đảm bảo được nguồn giống cây đạt chuẩn, điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng gỗ khi thu hoạch. Hạt giống của hợp tác xã sử dụng để trồng là giống keo tai tượng được nhập từ Australia.
Hiện nay, vườn ươm cây giống của hợp tác xã rộng gần 6.000 m2 được đầu tư cơ bản nhằm cung cấp nguồn cây giống tốt, với giá bán thấp hơn thị trường cho người dân có nhu cầu trồng rừng gỗ lớn.
Đối với phát triển trồng rừng gỗ lớn, việc đánh giá để được công nhận cấp chứng chỉ tiêu chuẩn rừng quốc tế FSC có ý nghĩa quan trọng, giúp xác định nguồn gốc gỗ hợp pháp, qua đó sản phẩm gỗ chế biến có thể xuất khẩu đi ra thị trường thế giới.
Hiện nay, việc đánh giá để được công nhận cấp chứng chỉ tiêu chuẩn rừng FSC trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chủ yếu thông qua sự hỗ trợ từ những dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Lê Minh Hưng cho biết, tỉnh Quảng Nam hiện có 2.300 ha diện tích trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng nhận tiêu chuẩn rừng FSC và đang phấn đấu đến năm 2020 con số này tăng lên 6.000 ha và đạt khoảng 16.000 ha vào năm 2025.

Chi phí cho việc cấp chứng nhận tiêu chuẩn rừng FSC hiện nay khoảng 1,6 triệu đồng/ ha.
Tỉnh đang nghiên cứu để thực hiện hỗ trợ một phần chi phí này cho người dân trồng rừng gỗ lớn sau khi một số dự án của các tổ chức phi chính phủ kết thúc.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn đang liên kết với người dân để triển khai các dự án trồng rừng gỗ lớn quy mô lớn lên tới hàng chục ngàn ha ở khu vực miền núi của tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện đăng ký, mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng nhận tiêu chuẩn rừng quốc tế.
Ngoài cây keo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cũng đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về trồng rừng gỗ lớn đối với một số loại cây khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh.
Cùng với mục tiêu mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn đạt 41.694 ha vào năm 2025, tỉnh Quảng Nam đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ gỗ gắn với vùng nguyên liệu.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 1 nhà máy chế biến gỗ công nghiệp MDF hoạt động với công suất 75.000 m3 sản phẩm gỗ các loại/ năm ở huyện Hiệp Đức và đang triển khai đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy này với công suất 200.000 m3 sản phẩm mỗi năm.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 nhà máy sản xuất gỗ ván ghép thanh và viên gỗ nén tại huyện Thăng Bình, Duy Xuyên và Hiệp Đức với công suất bình quân 2.000 tấn sản phẩm/ năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục