Quảng Ngãi chỉ đạo "nóng" về kiểm tra, xử lý vụ phá rừng phòng hộ Phổ Phong

07:31' - 22/09/2021
BNEWS Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa chỉ đạo "nóng" về việc kiểm tra, xử lý vụ phá rừng phòng hộ Phổ Phong sau những nội dung báo chí phản ánh.

Sau khi UBND tỉnh Quảng Ngãi có Công văn số 4685/UBND-NNTN ngày 13/9/2021 về việc yêu cầu kiểm tra, xử lý nội dung báo chí phản ánh, Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ đã thành lập Đoàn kiểm tra thực tế tại hiện trường vụ phá rừng phòng hộ lô 13, khoảnh 3, tiểu khu 319 thuộc rừng phòng hộ xã Phổ Phong và đã có báo cáo số 310/BC- HKL ngày 17/9/2021 giải trình về vụ việc này.

Báo cáo 310 nêu rõ, tổng số cây rừng bị cưa hạ là 42 cây; trong đó, số lượng cây rừng có đường kính gốc chặt từ 15 - 35 cm là 31 cây, số lượng cây rừng có đường kính gốc chặt bình quân hơn 72 cm là 2 cây… Tổng khối lượng gỗ tròn bị thiệt hại ước tính hơn 14,7 m3 (gỗ đã được cắt khúc theo quy cách 0,20 nhân 1,55 mét có khối lượng hơn 2 m3/42 lóng, phẩm chất gỗ trung bình. Gỗ dầu rái đã được cắt khúc còn nằm bên gốc chặt tại hiện trường có khối lượng hơn 5,8 m3/4 khúc, phẩm chất gỗ xấu, gỗ bị rỗng ruột chiếm tới 80%. Khối lượng gỗ tròn đã vận chuyển ra khỏi hiện trường khoảng hơn 6,8 m3).

Đáng chú ý, số liệu từ báo cáo trên chênh lệch khá nhiều so với báo cáo do kiểm lâm địa bàn xã Phổ Phong lập ngày 17/6/2021 và báo cáo số 307/BC- HKL do Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ lập ngày 13/9/2021.

Nội dung ghi rõ: “…qua tuần tra, truy quét đã phát hiện số gốc cây bị cưa hạ là 40 gốc (chủ yếu là cây dầu rái), đường kính từ 12 - 60 cm. Số lóng cây còn để lại tại hiện trường là 42 lóng, có đường kính trung bình là 20 cm, chiều dài 1,55 mét, tổng khối lượng hơn 2 m3…”.

Qua đó, có thể thấy, số cây rừng bị cưa hạ tăng 2 cây và khối lượng gỗ tăng hơn 7 lần, nhiều cây có đường kính gốc chặt rất lớn…

Ông Nguyễn Đại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi lại khẳng định, từ ngày 17/6/2021 đến nay, địa bàn xã Phổ Phong không hề xảy ra vụ phá rừng nào mới.

Hai cây gỗ phát sinh (có đường kính khoảng 1 mét, dài hàng chục mét, nhựa vẫn còn chảy - PV phản ánh trước đó) rất có thể đã bị cưa hạ từ lâu và khả năng kiểm lâm địa bàn xã Phổ Phong đã “bỏ sót” chúng trong quá trình tuần tra.

Liên quan vấn đề này, ông Võ Văn Trình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ lý giải, sở dĩ có sự sai khác, khối lượng gỗ tăng đột biến là do trong báo cáo cũ, kiểm lâm địa bàn xã Phổ Phong không thống kê phần gỗ bị chuyển ra khỏi rừng.

Điều đó lại khá mâu thuẫn với một số thông tin khác trong chính báo cáo 310 của Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ. Cụ thể, ngày 18/6/2021, Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ đã tiến hành kiểm tra tại hai cơ sở mua bán, chế biến kinh doanh lâm sản; rà soát toàn bộ các cơ sở cưa xẻ gỗ trên địa bàn thị xã để truy tìm cây dầu rái nhưng không phát hiện.

Đồng thời, khi làm việc với Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ, các chủ rừng liền kề khu vực rừng phòng hộ bị phá khai báo, họ không có thông tin gì về các đối tượng tham gia thực hiện hành vi mở đường trái phép vào cưa hạ cây trong rừng phòng hộ. Đến nay, Hạt vẫn chưa tìm ra được “thủ phạm”.

“Thời gian qua, địa bàn thị xã Đức Phổ liên tục xảy ra cháy rừng, Hạt phải tập trung tối đa lực lượng vào công tác chữa cháy. Cùng với đó, khi thị xã Đức Phổ xuất hiện dịch COVID-19, một số cán bộ của Hạt thuộc diện F1 phải đi cách ly tập trung, không thể quản lý hết địa bàn.

Mặt khác, dù kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay, sau 3 năm, cộng đồng thôn Vạn Trung (được giao quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ) vẫn chưa được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí để thực hiện công tác này.

Đó là những nguyên nhân khách quan dẫn đến rừng phòng hộ bị cưa hạ không thương tiếc”- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ Võ Văn Trình nói.

Về hướng xử lý số gỗ mà “lâm tặc” để lại, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ Võ Văn Trình cho hay, Hạt sẽ phối hợp với UBND xã Phổ Phong, cộng đồng thôn Vạn Trung (chủ rừng) lên hiện trường rào chắn lại con đường tự mở vào rừng phòng hộ; đóng biển báo khu vực bảo vệ hiện trường khai thác rừng trái pháp luật; sắp xếp, gom lại những khúc gỗ còn sót lại...”.

Khoản 2, Điều 189, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định rõ, trường hợp nào phạm tội hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm./.

       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục