Quảng Ngãi: Nhiều chủ tàu cho phương tiện nằm bờ

15:14' - 11/03/2022
BNEWS Giá xăng dầu tăng cao trong khi giá hải sản lại thấp nên nhiều chủ tàu ở Quảng Ngãi phải chịu thua lỗ sau mỗi chuyến vươn khơi.

Do đó, nhiều chủ tàu phải chọn giải pháp cho phương tiện nằm bờ để giảm bớt rủi ro. Các chủ tàu cho biết không dám ra khơi vì giá dầu liên tục tăng cao, trong khi giá hải sản lại rất thấp.

 

Theo ngư dân Nguyễn Phận, Thuyền trưởng tàu cá QNg 94419 Ts, trước đây mỗi phiên đi biển của ông kéo dài từ 15-20 ngày, nhưng nay do nguồn hải sản cạn kiệt nên thời gian hoạt động trên biển kéo dài đến 1 tháng.

Do đó các chi phí cũng tăng lên, đặc biệt là phí dầu. "Hơn 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn. Đầu năm nay ai cũng hy vọng sớm vươn khơi nhưng giờ giá dầu tăng cao kéo theo giá nhân công, thức ăn, đá lạnh… cũng tăng theo trong khi giá thủy sản đang rất rẻ. Với tình trạng này thì không chỉ riêng tôi mà các chủ tàu khác đều phải cân nhắc nên ra khơi hay cho tàu nằm bờ", ông Phận chia sẻ.

Còn ngư dân Lê Bằng, chủ tàu QNg 95670 Ts cho hay, mỗi chuyến biển trước đây, tính từ xăng dầu cho đến lương thực, thực phẩm chi phí khoảng 130 – 140 triệu đồng, thu về khoảng 180 đến 190 triệu đồng. Nhưng giờ giá dầu lên cao, mỗi chuyến tốn khoảng 7.000 lít dầu DO nên chi phí cho mỗi chuyến ra khơi tăng lên hơn 200 triệu đồng, đi chỉ có lỗ nên ông đành neo tàu ở nhà.

Việc nhiều tàu cá nằm bờ đã kéo theo tình trạng gia tăng các tệ nạn xã hội. Đại úy Phan Xuân Huề, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Sa Kỳ cho biết, Đồn đã phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền vận động ngư dân không tụ tập ăn nhậu, đánh bạc, sử dụng các chất kích thích; đồng thời khuyến khích ngư dân liên kết với nhau vươn khơi bám biển để vừa giảm chi phí vừa tăng sản lượng khai thác.

Theo ông Phùng Đình Toàn, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có hơn 6.000 tàu cá và hàng nghìn ngư dân mưu sinh bằng nghề biển.

Trong đó, khoảng 1.700 tàu đang được thụ hưởng chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa (trong đó có hỗ trợ dầu cho ngư dân đánh bắt ở vùng biển xa) theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Những tàu cá còn lại chủ yếu hành nghề lưới kéo ở vùng lộng. Khó khăn nhất là khoảng 1.600 tàu hành nghề lưới kéo (giã cào) bởi khoảng 3 năm nay các tàu này hoạt động không hiệu quả, nghề giã cào lại tiêu tốn nhiều nhiên liệu.

Chi cục đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng và chính quyền các xã tuyên truyền, vận động ngư dân hành nghề lưới kéo cải hoán tàu thuyền, ngư lưới cụ để chuyển đổi sang nghề lưới rê, lưới câu. Tuy nhiên, cần có chính sách bình ổn giá xăng dầu nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục