Giải pháp nào cho tàu cá nằm bờ?

17:44' - 08/03/2022
BNEWS Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, hiện số tàu đánh bắt xa bờ trong tỉnh chưa ra khơi hoạt động khai thác lên tới 900 tàu; trong đó số nằm bờ dài hạn khoảng 300 tàu, còn lại hơn 600 tàu chưa xuất bến.

Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, qua rà soát, kiểm tra số tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn, hiện có hơn 900 tàu cá nằm bờ chưa ra khơi hoạt động khai thác. Số nằm bờ dài hạn khoảng 300 tàu, còn lại hơn 600 tàu chưa xuất bến hoạt động khai thác.

* Khó chồng khó

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá cho biết: Năm 2021, ngư dân gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguồn lợi thủy sản trên ngư trường suy kiệt nghiêm trọng, khai thác đánh bắt không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng khiến nhiều tàu ngừng hoạt động.

Đầu năm 2022, giá xăng dầu bắt đầu tăng và hiện ở mức 21.630 đồng/lít, kéo theo những chi phí khác đều tăng khiến ngư dân vốn đã khó khăn càng chồng chất khó khăn.

Một chuyến biển ra khơi thời gian 3 tháng đánh bắt xa bờ phải cần từ 1,5 -1,6 tỷ đồng, tăng từ 500 - 600 triệu đồng/chuyến biển so với năm 2021. Vì vậy, nhiều người không đủ khả năng tài chính ra khơi khai thác đánh bắt do không có tiền mặt ứng trước cho lao động biển, mua dầu, nước đá và trả chi phí khác.

Hiện tàu cá của thành phố Rạch Giá nằm bờ khoảng 35-40%. Nếu tình hình này không cải thiện thì khả năng sau chuyến biển Tết đầu năm nay, số tàu cá ngừng hoạt động sẽ nhiều thêm.

Ngư dân Nguyễn Văn Minh ở xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành cho biết, nếu giá thủy sản đánh bắt được tăng cao theo giá dầu và những chi phí khác thì ngư dân còn có thể duy trì, đưa tàu tiếp tục ra khơi. Ngược lại, giá dầu và các chi phí khác tăng cao, trong khi đó, giá tôm, cá, mực… không tăng, vẫn giữ giá cũ như năm rồi. Sau chuyến biển đầu năm trở về, không ít ngư dân sẽ cho tàu nằm bến vì thua lỗ.

Anh Minh đưa 2 cặp tàu ra khơi ngày mùng 6 Tết và vừa đánh bắt trở về. Chuyến biển đầu tiên năm mới, sản lượng khai thác quá thấp do ngư trường cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, giá bán cá vẫn không tăng. Cá cân xô bình quân 12.000 đồng/kg, cá phân trên dưới 4.000 đồng/kg… Chuyến biển này không có lãi và không đủ bù chi phí. Anh Minh đang cân nhắc việc có đưa tàu đi đánh bắt trong chuyến biển tới hay không để tránh gánh thêm nợ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho hay, nguồn lợi thủy sản hiện suy giảm nghiêm trọng, chưa có dấu hiệu phục hồi nên sản lượng khai thác đánh bắt đạt thấp. Nhiều chủ tàu kinh tế khó khăn, thiếu vốn, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng để đưa tàu ra khơi. Mặt khác, giá xăng dầu và những chi phí khác tăng khá cao so với những tháng cuối năm 2021 đã tác động bất lợi đến hoạt động nghề cá…

Thêm một khó khăn mà nghề cá phải đối mặt là thiếu nguồn lao động biển trầm trọng do nhiều người đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc tìm kiếm việc làm trên bờ, từ bỏ nghề biển nhiều khó khăn, vất vả nhưng thu nhập thấp.

Một bộ phận ngư dân thiếu vốn sản xuất ban đầu, đang nợ ngân hàng và không còn được ngân hàng hỗ trợ vay vốn. Họ không còn tài sản thế chấp để vay... Đây cũng là lý do khiến nhiều tàu cá ngừng hoạt động, không còn khả năng ra khơi đánh bắt.

Các ngư dân ngừng khai thác đánh bắt trên biển chia sẻ, tàu cá nằm bến, không hoạt động xuống cấp, hư hỏng nhanh. Giá trị con tàu giảm đáng kể, từ 10 tỷ đồng giảm còn trên dưới 3 tỷ đồng/tàu. Ngư dân tốn chi phí bảo dưỡng, mất nguồn thu nhập, kinh tế gia đình khó khăn, không tiền trả nợ vay, đóng lãi ngân hàng... khiến "nợ chồng thêm nợ".

Nhiều ngư dân bán tàu với giá thấp hơn so với giá trị con tàu đóng mới, nâng cấp ban đầu nhưng vẫn không ai mua. Tàu cá nằm bến khiến ngành khai thác biển ở Kiên Giang bị ảnh hưởng, sản lượng sụt giảm. Trong 2 tháng đầu năm, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh đạt hơn 85.620 tấn, bằng 17,5% kế hoạch, giảm 3,88% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương khoảng 3.450 tấn thủy sản các loại.

Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá Trương Văn Ngữ cho biết thêm, hệ lụy của việc chi phí mỗi chuyến biển tăng quá cao như hiện nay, nguy cơ tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép sẽ tiếp tục diễn ra. Mặt khác, khi đưa tàu cá ra khơi thì ngư dân tìm mọi cách để đánh bắt có sản lượng, để đủ bù chi phí đã bỏ ra, có chút lãi để trang trải cuộc sống, trả nợ, đóng lãi ngân hàng…

"Do đó, nhiều người sử dụng lưới dày đánh bắt với hình thức tận diệt, vi phạm vùng cấm khai thác, khu bảo tồn biển, bãi đẻ tự nhiên của các loài thủy sản, khai thác ven bờ, đánh bắt từ con nhỏ đến con to, không bỏ một con nào nếu vào lưới.

Loại lớn thì bán chợ, tiêu dùng nội địa, phục vụ nguyên liệu chế biến xuất khẩu, loại nhỏ (cá phân) thì bán cho các nhà máy chế biến bột cá hoặc bán cá mồi làm thức ăn cho chủ nuôi cá lồng bè trên biển… dẫn đến suy kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng nghiêm trọng.

Ngoài ra, để giảm bớt chi phí, nhiều ngư dân không đổ dầu từ trong đất liền giá cao mà ra biển tìm dầu vận chuyển trái phép, buôn lậu để mua với giá thấp hơn khoảng 2.000 đồng/lít. Điều này vô tình tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển” - ông Ngữ phân tích.

* Tìm giải pháp gỡ khó

Các ngư dân đã cho tàu ngừng khai thác đánh bắt chia sẻ, họ đang tìm cách để tự cứu mình nhưng chưa có giải pháp nào để đưa tàu trở lại biển khơi. Ngư dân đang mong chờ và kỳ vọng Chính phủ hỗ trợ, giúp tháo gỡ vướng mắc để đưa tàu cá trở lại hoạt động khai thác đánh bắt.

Là chủ của 6 đôi tàu đánh bắt xa bờ, anh Lê Ngọc Đặng ở phường An Hòa, thành phố Rạch Giá chia sẻ, anh xuất hành chuyến biển đầu năm mới với kỳ vọng thuận lợi, đạt kết quả tốt để trong năm nay khai thác đánh bắt suông sẻ, hiệu quả. Cả 6 cặp tàu của anh vẫn đang hoạt động trên biển, chưa vào bờ, phập phồng, hồi hộp, lo lắng không biết kết quả đánh bắt ra sao.

"Chúng tôi mong các ngành chức năng sớm có giải pháp kiềm chế, bình ổn giá dầu để ngư dân mạnh dạn đưa tàu ra khơi khai thác đạt kết quả. Nếu giá dầu như hiện nay hoặc tiếp tục tăng lên, giá sản phẩm thủy sản không tăng thì ngư dân khó mà đưa tàu ra biển đánh bắt, buộc phải nằm bến" - anh Đăng bày tỏ.

Ngoài ra, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân về nợ vay ngân hàng như giảm, giản nợ, khoanh nợ, xóa nợ và lãi xuất… tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục được tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư lại sản xuất đánh bắt. Vì phần lớn ngư dân hiện nay gần như không còn trụ lại được với nghề, không còn khả năng vươn khơi, bám biển do hết vốn. Nhiều người đã rao bán tàu cá nhưng không ai mua - ngư dân này kiến nghị.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho hay, tỉnh tiếp tục tuyên truyền các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên ngư trường; nâng cao ý thức cộng đồng ngư dân về bảo vệ, khôi phục và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Ngành chức năng cũng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển, nhất là các hành vi khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản, xâm phạm vùng cấm đánh bắt và khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định...

Hiện ngành thủy sản tỉnh tổ chức thực hiện các giải pháp của dự án “Điều tra các nghề khai thác thủy sản vùng lộng và vùng ven bờ tỉnh Kiên Giang, đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác tỉnh Kiên Giang” nhằm tổ chức lại hoạt động nghề cá của địa phương, tạo điều kiện phục hồi nguồn lợi thủy sản nhất là nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ.

Tiếp đến, thực hiện dự án điều tra nguồn lợi thủy sản và môi sống của các loài thủy sản làm cơ sở cấp phép hạn ngạch sản lượng thủy sản khai thác, đồng thời bảo vệ, bảo tồn loài thủy sản, bãi giống thủy sản và hệ sinh cảnh biển.

Cùng với việc từng bước cũng cố hạ tầng nghề cá, tỉnh cũng đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu, ngư dân hoạt động sản xuất thủy sản; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tổ chức quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật để thực hiện việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn biển nhằm phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngư dân, nhất là về hỗ trợ vay vốn, kiềm chế tăng giá, bình ổn giá nhiên liệu, nhu yếu phẩm… phục vụ hoạt động khai thác thủy sản trên biển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục