Quảng Ngãi phát triển cây trồng bản địa ở những huyện vùng cao

16:59' - 24/07/2018
BNEWS Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, nhiều huyện vùng cao Quảng Ngãi đã tập trung hướng cho người dân phát triển những cây trồng bản địa, cây dược liệu có tiềm năng hàng hóa lớn.
Người dân khai thác quế. Ảnh: Đinh Thị Hương/BNEWS/TTXVN

Nhờ đó mà nhiều nguồn gen quý được bảo tồn, tạo thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

Tây Trà là huyện vùng cao nghèo nhất trong 6 huyện miền núi của Quảng Ngãi. Cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 100 km về phía Tây Bắc và là nơi tập trung chủ yếu của đồng bào Kor. Nếu như trước đây người dân chỉ biết thu hái các loại rau, củ, quả rừng mọc tự nhiên ở vùng đồi núi để về dùng trong bữa ăn gia đình, bán cho thương lái và người tiêu dùng, thì những năm gần đây cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, bà con đồng bào Cor ở huyện vùng cao Tây Trà đã tự trồng các loại rau, củ, quả bản địa ở trên nương rẫy, vườn nhà của mình.

Hiện tại đã có thêm nhiều cây trồng đặc trưng mang lại hiệu quả kinh tế như cây quế, cây keo, cây chuối, cây gừng gió, cây ớt xiêm,... Một trong những cây trồng đang được coi là sản vật của núi rừng và ngày càng được thị trường ưa chuộng là ớt xiêm.

Ớt xiêm lúc đầu là loại cây tự mọc do chim phát tán hạt xuống đất, sau đó thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên sinh trưởng, phát triển tốt. Từ đó, người dân đã nhân giống đem trồng trên diện rộng theo hình thức xen canh trên vườn đồi.

Quả ớt xiêm thường rất nhỏ nhưng giòn, vị cay nồng và có hương vị riêng. Đặc biệt, người trồng ớt xiêm không phun bất kì một loại thuốc hóa học nào nên đảm bảo an toàn cho người dùng.

Chị Hồ Thị Lý, xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà cho biết: “Hiện đang là mùa thu hoạch ớt xiêm, mỗi kg ớt có giá từ 100.000-120.000 đồng. Từ đầu mùa đến nay gia đình tôi đã thu bán được hơn 3 triệu đồng tiền ớt. Mặc dù có giá cao hơn nhiều so với ớt ở vùng đồng bằng, nhưng ớt xiêm vẫn được người tiêu dùng lựa chọn.

Ngoài việc bán ớt tươi, tôi còn muối ớt để bảo quản được lâu hơn và phục vụ cho nhu cầu của khách hàng. Nhờ có cây ớt xiêm mà tôi có thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày”.

Một loại cây trồng khác cũng đang được xem là sản vật của núi rừng Tây Trà và mang lại thu nhập cao cho bà con đó là cây gừng gió. So với gừng ở đồng bằng thì gừng gió Tây Trà có củ nhỏ, vị cay và thơm hơn. Hiện tại gừng gió có giá từ 100 đến 130 nghìn đồng/kg, gấp nhiều lần giá gừng ở đồng bằng.

Gừng gió được trồng vào khoảng tháng 3 âm lịch, thu hoạch vào tháng 11, 12 cùng năm, 1 sào gừng sau khi trừ chi phí cho thu lợi đến 20 triệu đồng. Gừng gió có thể trồng ngay trong vườn nhà hoặc trồng trong các bao đất để ở sườn núi.

Anh Hồ Văn Khuyến, xã Trà Quân, huyện Tây Trà cho rằng: “Cây quế từ lúc trồng đến lúc thu hoạch cũng mất ít nhất 3-4 năm. Còn cây gừng gió thì trồng mấy tháng là có thu hoạch. Đặc biệt cây này thu hoạch vào cuối năm nên mình có thêm thu nhập lo cho ngày Tết cổ truyền của đồng bào, của dân tộc. Cũng nhờ đó mình có điều kiện chăm sóc cho cây trồng lâu năm”.

Những năm gần đây, nhìn thấy tiềm năng kinh tế, tăng thu ngập cho người dân từ chính những cây trồng bản địa, cây dược liệu của địa phương, nên huyện Tây Trà đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích gieo trồng nhằm đa dạng hóa cây trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Đồng thời, chính quyền cũng hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để người dân thử nghiệm với những cây trồng mới. Việc lựa chọn và phát triển sản xuất loại cây trồng bản địa, cây dược liệu ở huyện vùng cao Tây Trà vừa khai thác tiềm năng tự nhiên, vừa giúp người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo và bảo vệ được rừng.

Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Trà cho biết, thời gian qua huyện đã thí điểm nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi cho người dân địa phương. Đã có những mô hình vô cùng thành công như cây ớt xiêm, cây gừng gió, cây chuối.

Do đó, huyện đang tính toán để hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với kỳ vọng không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế mà còn giải được bài toán trồng cây gì, nuôi con gì và mở ra cơ hội giúp người dân nơi đây giảm nghèo bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục