Quy hoạch đất đai ven biển: Quảng Ngãi xây dựng hành lang an toàn bờ biển

10:21' - 17/06/2018
BNEWS Quảng Ngãi luôn xác định biển và khu vực vùng bờ là một vùng kinh tế động lực, rất nhiều dự án, khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế đã được hình thành tại khu vực này.
Hệ thống cảng biển tại KKT Dung Quất là lợi thế lớn cho việc phát triển công nghiệp của Quảng Ngãi. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Là một tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung bộ, Quảng Ngãi có bờ biển dài hơn 130 km, có nhiều dãy núi nhô ra biển hình thành các eo vịnh, đầm phá.

Với những nét đặc thù của vùng biển khu vực miền Trung, bờ biển Quảng Ngãi có đường bờ và địa hình đáy phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các mũi đất và các đầm, vịnh.

Những năm qua, Quảng Ngãi luôn xác định biển và khu vực vùng bờ là một vùng kinh tế động lực, rất nhiều dự án, khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế đã được hình thành tại khu vực này. Từ đó, góp phần to lớn trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển.

Bên cạnh những lợi thế và tiềm năng to lớn từ biển mang lại thì vùng biển của Việt Nam nói chung cũng như vùng biển của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đang chịu nhiều tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra. Ngoài sự chịu tác động của tự nhiên, vùng bờ Quảng Ngãi vẫn đang tồn tại nhiều bất cập trong việc quy hoạch, phát triển kinh tế bền vững.

Đó là ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường của cộng đồng dân cư, các tổ chức, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Việc quản lý nhà nước trong khu vực này chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nhiều khu vực ven biển bị khai thác, sử dụng bất hợp lý, người dân ở nhiều địa phương không được tiếp cận và sử dụng biển như một dạng tài nguyên chung.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay dọc bờ biển, Quảng Ngãi có 3 vùng quy hoạch lớn gồm: khu kinh tế Dung Quất với việc quy hoạch các cụm cảng, khu công nghiệp, đô thị và du lịch; khu thành phố Quảng Ngãi chủ yếu qui hoạch đô thị, khu du lịch và khu phát triển nghề cá và các dịch vụ hậu cần nghề cá.

Khu đô thị Đức Phổ hiện chưa phát triển nhiều nhưng cũng sẽ có định hướng phát triển qui hoạch đô thị, khu du lịch, khu phát triển nghề cá và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Đối với khu vực bờ biển của huyện Mộ Đức và Tư Nghĩa chủ yếu được qui hoạch để xây dựng nông thôn mới của từng địa phương.

Thực tế hiện nay của Quảng Ngãi cũng như hầu hết các địa phương trong cả nước, vùng bờ biển hiện đang bị chồng lấn nhiều lợi ích giữa các ngành trong cùng một địa phương (du lịch, cảng biển, nuôi trồng, đánh bắt hải sản…). Đơn cử như việc phát triển du lịch đồng nghĩa với sự gia tăng lượng khách du lịch, tăng cường hoạt động xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, gia tăng nhu cầu sử dụng các giá trị tài nguyên thiên nhiên như: các nguồn nước, cảnh quan tự nhiên, bãi biển, hồ nước...

Các tác động tiêu cực đến môi trường đã và đang xảy ra khi sức chứa của nhiều khu du lịch không đảm bảo nhu cầu, gây tình trạng ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái môi trường về lâu dài, tác động ngược trở lại quá trình phát triển du lịch. Do đó, việc phát triển du lịch sẽ mâu thuẫn với dân sinh.

Chẳng hạn như ở bãi biển Mỹ Khê, nhiều nhà hàng, khu du lịch biển đang mọc lên nhanh chóng, xâm lấn vành đai biển, không được quy hoạch hợp lý. Bãi biển Nam Phước (xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ), hoang sơ và có vẻ đẹp tự nhiên, rất có tiềm năng để hình thành khu du lịch biển của Đức Phổ phải đứng trước nguy cơ giảm lượng du khách do phát triển nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch.

Song song với phát triển du lịch, phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Quảng Ngãi trong quá trình phát triển kinh tế. Tại khu vực khu kinh tế Dung Quất đã có một số ngành công nghiệp chính phát triển là công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất, công nghiệp gia công kim loại, đóng tàu biển....

Các khu kinh tế, khu công nghiệp nói chung đều ở các vị trí thuận lợi, gần biển, ưu đãi về thiên nhiên và tài nguyên, nhưng ảnh hưởng khá lớn đến môi trường và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp và cuộc sống của người dân ở những vùng xung quanh…

Để giải quyết bài toán này, Quảng Ngãi đã và đang tiến hành xây dựng dự thảo thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển được nhiều nhà nghiên cứu, quản lý thống nhất. Theo đó, dự thảo này sẽ hình thành một vùng đệm giữa khu vực phát triển ven bờ với nước biển nhằm góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đặc biệt, dự thảo này sẽ tính toán, các khu vực dọc bờ biển cần thiết lập khoảng cách (hay chiều rộng) của hành lang bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển và bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên trong khu vực. Người dân sống ở vùng giáp biển sẽ có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển có quyền được tiếp cận với biển một cách dễ dàng không bị hạn chế, cản trở bởi các hoạt động kinh tế khác như du lịch, công nghiệp...

Theo lãnh đạo Chi cục biển và hải đảo tỉnh Quảng Ngãi (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi), việc thực hiện nội dung “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Ngãi” là cần thiết cho tỉnh. Hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Ngãi được thiết lập là một trong những công cụ quan trọng giúp tỉnh quản lý vùng bờ.

Đồng thời, là cơ sở để định hướng quy hoạch phát triển kinh tế biển như du lịch, cảng biển, nghề cá, hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển... Từ đó, góp phần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Bên cạnh đó, bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển ở vùng bờ tỉnh Quảng Ngãi. Đề án này hoàn thành sẽ kịp thời đáp ứng được yêu cầu về quản lý nhà nước, đảm bảo việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên vùng bờ theo hướng bền vững. Cùng đó, giải quyết tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án lớn đang triển khai tại các khu vực ven biển của tỉnh theo quy định pháp luật.

Quảng Ngãi có 25 xã ven biển, hải đảo với nhiều đặc điểm địa lý khác nhau. Do đó, ngoài một số vị trí phải tuân theo quy định chung, hành lang bảo vệ bờ biển của tỉnh Quảng Ngãi có độ rộng trung bình là 100m thì việc tính toán thiết lập độ rộng theo qui định là để phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp của người dân, chính quyền địa phương cũng như một số doanh nghiệp để tính toán độ rộng của hành lang sao cho phù hợp, hài hòa với các lợi ích. Đồng thời, phù hợp với đặc điểm địa chất và địa hình của từng khu vực.

Hành lang bảo vệ bờ biển này cũng sẽ thường xuyên cập nhật (5 năm/lần), đồng thời sẽ điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch phát triển các ngành tại địa phương và phù hợp với biến động do sạt lở hoặc bồi tụ của điều kiện khách quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục