Quảng Ninh định vị thương hiệu du lịch

15:34' - 26/11/2024
BNEWS Quảng Ninh quyết tâm hoàn thành mục tiêu đón 19 triệu lượt khách du lịch năm 2024, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nối tiếp 10 năm liền tăng trưởng 2 con số của tỉnh.

Mặc dù còn nhiều khó khăn do hậu quả của bão Yagi để lại, song với nỗ lực cao nhất, cùng các giải pháp đảm bảo khả thi, hiệu quả, Quảng Ninh quyết tâm hoàn thành mục tiêu đón 19 triệu lượt khách du lịch năm 2024, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nối tiếp 10 năm liền tăng trưởng 2 con số của tỉnh.

Tại huyện Bình Liêu, huyện rất quan tâm phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của bà con các dân tộc. Nhiều trải nghiệm, sản phẩm du lịch mang "chất riêng" đã ra đời, góp phần định vị thương hiệu du lịch Bình Liêu.

 

Mùa du lịch Thu Đông 2024 này, ngoài tham quan ngắn trong ngày, du khách tới Bình Liêu có thể lưu lại trải nghiệm lễ mừng cơm mới, nghệ thuật ẩm thực các dân tộc Bình Liêu, không gian trình diễn văn hoá dân gian của đồng bào các dân tộc với ẩm thực, ca, vũ, nhạc, nghi lễ mỗi tối thứ bảy... Đây đều là các hoạt động lần đầu được tổ chức, diễn ra trong tháng 11 này. "Để có thêm nhiều sản phẩm, chúng tôi rất quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các đồng bào dân tộc. Trong đó, quan tâm lựa chọn, phát huy các giá trị đặc sắc để phục vụ du lịch, tăng trải nghiệm, giữ chân du khách" - bà Tô Thị Nga, Phó phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bình Liêu chia sẻ.

Theo đó, để có cơ sở thực hiện hiệu quả công việc này, huyện Bình Liêu đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, hoàn thiện và triển khai nhiệm vụ xây dựng các bản văn hóa phục vụ phát triển du lịch cộng đồng gắn với triển khai thực hiện thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc của tỉnh.

Đến nay, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể tại thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn) gồm: Tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho 100% người dân; thành lập ban quản lý phát triển du lịch cộng đồng, CLB văn nghệ truyền thống; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thôn Bản Cáu và khu vực phụ cận đón khách du lịch trải nghiệm văn hóa ẩm thực của người Tày nhân dịp lễ mừng cơm mới. Huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện nội dung đề án; triển khai tuyên truyền và các công việc thực tế với dự án bản văn hóa người Dao, người Sán Chỉ.

Huyện cũng quan tâm nhiều tới triển khai các nhiệm vụ và giải pháp về giữ gìn và phát huy di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phục vụ phát triển du lịch, thu hút khách du lịch, như xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội di sản then, tổ chức gặp mặt và giao lưu với các nghệ nhân, trao quyết định công nhận 2 nghệ nhân ưu tú; giao lưu hát then - đàn tính với các địa phương trong và ngoài tỉnh trong khuôn khổ lễ hội đình Lục Nà...

Đồng thời với đó, huyện đã công bố Quyết định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ; hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghi lễ mừng cơm mới của người Tày và hội Kiêng gió (xã Đồng Văn); phối hợp tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, thu thập tư liệu và hồ sơ đề nghị di sản văn hóa phi vật thể: Nghi lễ cầu mùa của người Sán Chỉ và trang phụ dân tộc của người Dao, Sán Chỉ.

Bên cạnh đó, huyện tích cực hướng dẫn thành lập thêm các CLB văn hóa, văn nghệ truyền thống, thể thao dân tộc của người Tày, Dao, Sán Chỉ cấp xã và khu dân cư; tổ chức không gian văn hóa ẩm thực Bình Liêu và các cuộc thi chế biến món ăn truyền thống người dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp xã; hướng dẫn một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đăng ký đề cử TOP nhà hàng, quán ăn ngon của địa phương...

Tính riêng tháng 10, các điểm đến trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đón 1,13 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Lũy kế 10 tháng, du lịch Quảng Ninh đón trên 16,7 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó trên 3 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch trên 40,1 nghìn tỷ đồng, tăng 38% cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng ngành du lịch cơ bản đảm bảo kịch bản đề ra. Song để đạt được mục tiêu đón 19 triệu lượt khách, ngành Du lịch cùng các địa phương của tỉnh vẫn đang nỗ lực, triển khai đồng bộ hiệu quả các giải pháp.

Theo đó, tháng cuối năm là thời điểm du lịch MICE - du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện vào mùa, thu hút đông du khách đến Quảng Ninh. Với cơ sở hạ tầng đồng bộ, chất lượng dịch vụ đẳng cấp cùng hàng loạt các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức là cơ hội để ngành Du lịch tăng tốc đón khách. Để thu hút du khách đến Quảng Ninh, nhất là dòng khách MICE, tỉnh sẽ tổ chức hàng loạt các sự kiện nổi bật như: Đại nhạc hội Hàn Quốc và Việt Nam; các hoạt động Kỷ niệm 30 năm Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thế giới; du lịch mùa thu tại Uông Bí; Giải thi đấu Taekwondo cảnh sát châu Á mở rộng và sự kiện âm nhạc cổ động giải… Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; nghiên cứu, kêu gọi tổ chức một số giải thể thao như: Marathon, pickleball, cờ vua…

Tỉnh cũng tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đi xúc tiến, quảng bá du lịch tại các khu công nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài với nguồn khách dồi dào, có nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng kết hợp hội nghị cuối năm; xúc tiến các thị trường tiềm năng phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai.

Đồng thời, việc thúc đẩy tăng cường liên kết, hợp tác du lịch giữa các doanh nghiệp, địa phương cũng đã và đang mang nhiều đoàn khách lớn đến với Quảng Ninh. Từ đây, giúp mở rộng không gian, phát huy thế mạnh của các địa phương, hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, nâng cao lợi thế cạnh tranh, huy động nguồn lực, tạo sức mạnh quảng bá, xúc tiến điểm đến chung, thu hút đầu tư, thúc đẩy lan tỏa phát triển KT-XH liên địa phương, liên vùng.

Cùng với đó, ngành Du lịch tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch mới đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết nối Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long. Nổi bật, tuyến du lịch mới “Hành trình di sản” kết nối Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long đã đưa vào hoạt động, mang đến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Đây hiện là hải trình duy nhất đưa du khách chiêm ngưỡng toàn bộ những địa điểm nổi tiếng đặc trưng của Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, cùng những khu vực hoang sơ chưa được khai thác du lịch tại Vịnh Bái Tử Long như công viên địa chất ngoài trời, rừng bán ngập mặn, làng chài cổ và ngắm các vùng san hô tự nhiên…

Đặc biệt, ngày 20/11 vừa qua, tại TP Hạ Long, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group tổ chức chương trình Lễ công bố hợp tác kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa”. Chương trình kích cầu du lịch sẽ được triển khai từ nay đến hết năm 2024 với hàng loạt sản phẩm, dịch vụ dành cho khách du lịch đều được ưu đãi sâu lên đến 50%.

Ngoài các chương trình ưu đãi sâu, tỉnh Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm du lịch để gia tăng trải nghiệm mới cho du khách như: Khẩn trương đưa vào khai thác 3 bãi tắm Soi Sim, Hang Cỏ, Trinh Nữ trên Vịnh Hạ Long; tổ chức biểu diễn nghệ thuật kết hợp tiệc nhẹ trong một số hang động đủ điều kiện trên vịnh; xác định 7 khu vực đảo hoang sơ và bãi tắm dành cho phân khúc khách tỷ phú, siêu sang thuộc 1% dân số thế giới...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục