Quảng Ninh tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

15:23' - 05/10/2023
BNEWS Mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Quảng Ninh đến ngày 31/8 đạt 50% kế hoạch đã không hoàn thành như dự kiến.

Để chấn chỉnh công tác đầu tư xây dựng cơ bản nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản phê bình người đứng đầu 21 cơ quan, đơn vị là chủ đầu tư và 10 địa phương đến hết ngày 31/8/2023 không giải ngân đạt kế hoạch.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức giải quyết, khắc phục những tồn tại hạn chế, triển khai có hiệu quả các giải pháp được chỉ ra tại các thông báo kết luận của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh.

Đến nay hầu hết các khó khăn, vướng mắc của các dự án cơ bản đã được xử lý, đặc biệt là những vướng mắc khó khăn được chỉ ra như thiếu hụt nguồn đất đắp, vị trí đổ thải, tài sản công, chuyển mục đích sử dụng đất, rừng tự nhiên. Công tác giải phóng mặt bằng, giao đất cho các dự án đã được đẩy nhanh và cơ bản hoàn thành trong quý IV/2023...

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ và tỉnh xác định là nguồn lực tăng trưởng kinh tế. Chưa có năm nào, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt như năm nay, tuy nhiên, kết quả đạt được lại không như mong muốn.

Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải xác định khối lượng thực tế của từng dự án đã thực hiện để đẩy nhanh thanh quyết toán; rà soát, báo cáo cụ thể về UBND tỉnh khả năng thu tiền sử dụng đất của các địa phương năm 2023. Từ đó, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công; chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tăng ca, tăng kíp; xem xét, thay thế đơn vị nhà thầu không đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra về tiến độ thi công và giải ngân.

Ông Cao Tường Huy cũng lưu ý các chủ đầu tư, địa phương tập trung giải ngân nguồn vốn kéo dài, thu hồi vốn tạm ứng; đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, công trình gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh và hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới đã nằm trong kế hoạch; phát huy vai trò của người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong giải ngân vốn đầu tư công.

Quý IV là thời điểm các dự án sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu kết hợp với thời tiết thuận lợi, khô ráo, ít mưa, do đó đây cũng là thời điểm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm và khởi công toàn bộ các dự án trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các dự án có kế hoạch vốn lớn như: Dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều (giai đoạn 1); cải tạo, nâng cấp mở rộng QL279, đoạn từ Km0+00 đến Km8+600; các dự án trường học, giao thông mà ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương với tổng kế hoạch vốn khoảng 3.400 tỷ đồng...

Tính đến ngày 27/9, toàn tỉnh mới giải ngân được 5.837/15.854 tỷ đồng, đạt 42,3% so với kế hoạch giao đầu năm, cụ thể: Ngân sách Trung ương giải ngân 405/584,3 tỷ đồng, đạt 69,3% (cùng kỳ đạt 16,8%); ngân sách tỉnh giải ngân 1.941/6.323 tỷ đồng, đạt 30,7% (cùng kỳ đạt 45%); ngân sách huyện, xã giải ngân 3.940/8.676 tỷ đồng, đạt 40,2% (cùng kỳ đạt 44%).

Có một số đơn vị giải ngân rất chậm, như cấp tỉnh là: Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (30,3%), Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh (19,4%), Công an tỉnh (9,6%), Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh (0%), Trường Đại học Hạ Long (0%). Đối với cấp huyện có một số địa phương như: Đông Triều (31,2%), Bình Liêu (31,6%), Cẩm Phả (29,4%), Uông Bí (29,7%), Hải Hà (27,6%).

Nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm được cho là công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt, dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện giao vốn; vướng mắc trong GPMB; thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp; giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao làm tăng chi phí cho doanh nghiệp ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đầu tư xây dựng; vướng mắc giữa các chủ đầu tư với sở, ngành, địa phương trong xử lý tài sản công; triển khai các gói thầu mua sắm thiết bị chuyên dùng còn chậm…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục