Quảng Ninh trao giấy phép 2 dự án FDI có tổng vốn đầu tư 55,56 triệu USD

17:02' - 26/07/2022
BNEWS Hôm nay 26/7, nhân sự kiện Kỳ họp thứ III Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư các dự án FDI với tổng vốn đầu tư 2 dự án 55,56 triệu USD.

Nhân sự kiện Kỳ họp thứ III Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), ngày 26/7, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Liên đoàn  Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 với chủ đề “Hội tụ và lan tỏa” với sự tham gia của các đại biểu, nhà đầu tư đến từ 21 nền kinh tế của APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương).

 

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cam kết đồng hành đối với các nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn tài sản. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh và đem sức mạnh lan tỏa, chia sẻ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tỉnh phát triển song hành.

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, đến với Quảng Ninh, các nhà đầu tư và doanh nghiệp được lan tỏa lợi ích từ chính quyền địa phương với nền quản trị hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, không ngừng nỗ lực tập trung cải cách nền hành chính quản lý - quản trị - kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội. Đồng thời, giảm tối đa rủi ro pháp lý, chi phí hành chính và tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ, Quảng Ninh là địa phương thể hiện được rõ nét nhất tiềm năng phát triển và sự năng động của Việt Nam. Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ của Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.

Quảng Ninh có sân bay quốc tế, có cảng biển, cửa khẩu quốc tế Móng Cái, đồng thời phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại kể cả hạ tầng công nghệ thông tin, có môi trường kinh doanh thuận lợi.

Do vậy, Chủ tịch VCCI tin tưởng rằng, hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh năm 2022 sẽ là dấu mốc quan trọng để Quảng Ninh thu hút đầu tư, bứt phá mạnh mẽ nhiều hơn trong thời gian tới.

Quảng Ninh có quy mô GRDP năm 2021 đạt trên 238 nghìn tỷ đồng và chủ động chuyển sang thực hiện “thích ứng an toàn” hoàn toàn chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19.

Là địa phương có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động nhất của Việt Nam với ASEAN; Quảng Ninh còn có di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cùng những đặc sắc “có một, không hai” của vịnh Bái Tử Long cùng mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa, thương cảng Vân Đồn; có trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á, có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện khí)…

Những năm gần đây, Quảng Ninh đang được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược (gồm cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy - hàng hải quốc tế), hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị.

Quảng Ninh có chuỗi các khu kinh tế trọng điểm như: Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái, 15 khu công nghiệp hiện hữu và 8 khu công nghiệp trong tương lai, chuỗi đô thị biển, ven biển. Tỉnh luôn luôn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ cùng các tỉnh, thành lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn tìm cách kết nối chia sẻ nguồn lực chung, tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông động lực chiến lược, kiến tạo các hành lang phát triển mới, khơi thông, kết nối các nguồn lực phát triển.

Tỉnh đặc biệt coi trọng việc lập quy hoạch, chiến lược của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham gia trở lại của các tư vấn hàng đầu quốc tế là Công ty McKinsey- Hoa Kỳ và Công ty Nikken Sekkei, Nhật Bản xác lập tầm nhìn dài hạn trong tính liên thông với các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia, các nguồn lực nhằm gia tăng giá trị, tăng cường liên kết, hợp tác trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ…

Tại hội nghị, nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn thúc các thủ tục, chính sách về thuế hải quan và việc chuyển lợi nhuận của doanh nghiệp về nước được thuận lợi hơn; tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao dễ dàng…

Nhân dịp này, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong về dự án sản xuất hạt nhựa polyprobylene với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong và dự án xây dựng nhà xưởng xây sẵn và nhà kho xây sẵn để cho thuê với vốn đầu tư dự kiến 23,8 triệu USD tại khu công nghiệp Bắc Tiền Phong.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng trao giấy chứng nhận đầu tư các dự án FDI cho dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời cho Công ty TNHH công nghiệp Jinko Solar Việt Nam và dự án xây dựng nhà xưởng, nhà kho, văn phòng cho Công ty TNHH phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền phong với tổng vốn đầu tư 2 dự án 55,56 triệu USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục