Quảng Ninh xử lý nghiêm, công khai các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm

17:48' - 08/01/2018
BNEWS Nếu phát hiện những vi phạm về an toàn thực phẩm, kể cả những cơ sở kinh doanh, sản xuất lớn, uy tín cần xử lý nghiêm, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, tránh nể nang.
Quảng Ninh sẽ xử lý nghiêm, công khai các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa: TTXVN
Ngày 8/1, tại cuộc họp triển khai công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long chỉ đạo: Các địa phương cùng lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, bảo quản, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Nếu phát hiện những vi phạm về an toàn thực phẩm, kể cả những cơ sở kinh doanh, sản xuất lớn, uy tín cần xử lý nghiêm, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, tránh nể nang. 

Ông Nguyễn Đức Long yêu cầu: Việc kiểm tra cần thực hiện đột xuất, thường xuyên, không nằm trong kế hoạch được xây dựng trước nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng rõ ràng thông tin sao cho người dân nhận biết được mặt hàng nào an toàn, cơ sở vi phạm, đồng thời giới thiệu các mô hình an toàn thực phẩm. 

Về kinh phí xử lý tang vật trong các vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho phép sử dụng nguồn kinh phí từ việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực này. Năm 2017, số tiền nộp ngân sách Nhà nước từ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm của tỉnh Quảng Ninh lên tới gần 7 tỷ đồng. Quảng Ninh là địa phương sử dụng ngân sách Nhà nước cho công tác an toàn vệ sinh thực phẩm là 6.400 đồng/người/năm, cao gấp 2,29 lần so với bình quân của cả nước. 

Năm 2017, Quảng Ninh chủ động đặt 18 bộ test kiểm nghiệm nhanh thực phẩm bẩn tại 8 địa phương để người dân tự kiểm nghiệm nhanh an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh đã tổ chức được 875 đoàn thanh, kiểm tra định kỳ với trên 18.000 cơ sở; thực hiện công khai thông tin cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm trên website của các ngành thành viên và trên phương tiện thông tin đại chúng. Tỉnh đã cấp 814 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm và 779 giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho trên 3.200 người tham gia sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm. 

Trong năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 36 người mắc, không gây tử vong. Thực tế hiện nay, một số nông dân vẫn còn thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định; việc kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung còn chậm... 

Đối với công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long yêu cầu các lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an và các địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác, không được coi nhẹ, lơ là, phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, tăng cường kiểm soát các tuyến biên giới; tập trung, quyết liệt điều tra, đấu tranh phá đường dây, ổ nhóm buôn lậu, không để xảy ra những điểm nóng về buôn lậu và không được làm ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của bà con vùng biên. 

Năm 2017, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện, xử lý 2.498 vụ, 2.355 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (giảm 24% so với năm 2016), thu nộp ngân sách 53 tỷ đồng, khởi tố 45 vụ với 79 đối tượng.../. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục