Quảng Trị nỗ lực cứu lúa sau lũ lụt

19:44' - 06/09/2019
BNEWS Đợt mưa lũ từ ngày 2 - 5/9 đã khiến gần 4.500 ha lúa Hè Thu 2019 của tỉnh Quảng Trị bị chìm sâu trong nước; trong đó nhiều diện tích bị mất trắng do lúa mọc mầm và hư hại.
Thu hoạch lúa sau khi nước lũ rút khỏi đồng ruộng tại huyện Cam Lộ. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

 Riêng ngày 6/9, ngay sau khi nước rút, các ngành chức năng và người dân Quảng Trị khẩn trương thu hoạch và phơi, sấy lúa nhằm hạn chế thiệt hại.

*Mọc mầm ngay trên bông

Theo ghi nhận, từ sáng sớm ngày 6/9, trên cánh đồng lúa tại xã Cam An, huyện Cam Lộ rất đông người dân và phương tiện đã có mặt để thu hoạch lúa. Đối với những diện tích sau khi nước rút hết, tỷ lệ cây lúa bị gãy đổ thấp thì người dân sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch; còn những diện tích lúa đang bị ngập sâu trong nước hoặc bị gãy đổ phần lớn người dân đã có mặt để gặt bằng tay. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có rất nhiều diện tích đang bị ngập sâu trong nước nên chưa thể thu hoạch được.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hợp tác xã Thanh Sơn thuộc xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ cho biết, trong vụ Hè Thu này gia đình ông canh tác được 1 mẫu ruộng nhưng mới thu hoạch được 2 sào thì gặp lũ lụt. Mưa lớn kéo dài khiến toàn bộ số diện tích này đang chìm sâu trong nước không thể thu hoạch được. Lúa đã chín lại bị ngâm trong nước suốt nhiều ngày liền, bây giờ nắng lên khiến hạt lúa nảy mầm ngay trên bông nên bị thiệt hại về năng suất và chất lượng rất nhiều. Hiện, gia đình ông đang thuê người đợi nước rút sẽ tiến hành thu hoạch…

Cùng chung hoàn cảnh với ông Minh, bà Nguyễn Thị Hằng, ở thôn thủy Ba Đông, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh dù đã cố gắng nỗ lực thuê người thu hoạch, phơi và sấy lúa nhưng vẫn không hiệu quả. Do mưa lũ có 4/13 mẫu ruộng của gia đình bà gần như bị mất trắng.

 Hàng nghìn tấn lúa đựng trong bao tải, được bảo quản trong kho sau khi sấy khô. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, mưa lớn khiến gia đình thiệt hại khoảng 10 tấn lúa ở ngoài đồng. Số lúa đã thu hoạch được gặp nhiều khó khăn do bị ngập úng, hư hại, bị mọc mầm nên phải vận chuyển đi sấy. Sau khi trừ chi phí thuê nhân công, tiền sấy, vận chuyển… số tiền thu nhập từ diện tích lúa này cũng không đủ chi phí sản xuất đã bỏ ra trước kia.

Để hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gặt lúa sau bão, giảm thiểu tối đa thiệt hại, các cơ quan đoàn thể, lực lượng vũ trang và quân sự cũng đã huy động lực lượng xuống đồng gặt lúa cùng bà con nông dân. Những ngày này, không khí thu hoạch lúa được triển khai khẩn trương hơn bao giờ hết vì nếu để lúa trên đồng lâu ngày nào thì tỷ lệ lúa bị mọc mầm và thiệt hại sẽ nặng nề cao và thậm chí là mất trắng.

*Cứu lúa cho dân

Thông thường các năm vào cuối tháng 8, việc thu hoạch lúa đã xong nhưng trong vụ Hè Thu 2019, do ảnh hưởng của tình hình khô hạn, thiếu nước kéo dài trên địa bàn tỉnh nên thời gian sinh trưởng của cây lúa kéo dài từ 10-15 ngày so với mọi năm. Chính vì vậy, rất nhiều diện tích lúa của người dân đã không kịp gặt để “chạy lũ”.

 Đảo lúa cho lúa khô đều trong hệ thống sấy. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, do ảnh hưởng của mưa lũ, đã có gần 4.500 ha lúa và 350 ha hoa màu, bị ngập úng, hư hỏng nặng; trong đó gần 2.000 ha lúa của nông dân các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong... bị ngập sâu trong nước suốt nhiều ngày liền.

Đặc biệt, do mưa lũ kéo dài, ước tính hàng ngàn tấn lúa chưa thu hoạch đang bị ngâm sâu trong nước và lúa đã thu hoạch nhưng không phơi được bị mọc mầm. Sau trận lũ dài ngày, nhiều nông dân Quảng Trị rơi vào cảnh khốn đốn thậm chí, một số hộ rơi vào cảnh “trắng tay” do lúa bị hư hại do lũ.

Nhằm hỗ trợ người dân sau thu hoạch, phía Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi Quảng Trị cũng đã về tận nơi, thu mua lúa cho bà con ngay tại chân ruộng.

Việc thu mua lúa kịp thời góp phần đảm bảo tiêu thụ cho bà con nông dân các vùng bị ngập; đồng thời giải được bài toàn khó về việc phơi, sấy cho bà con nông dân trong điều kiện thời tiết bất lợi nhằm giúp người nông dân có điều kiện thu lại chi phí sản xuất lúa trong vụ mùa vừa qua. Mặt khác, để bà con giữ lại lương thực, đơn vị cũng đã đã huy động nhân lực, máy móc để sấy lúa bị ngập nước, nảy mầm cho bà con nhân dân.

Ông Phạm Xuân Tuyên, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi cho biết, đến nay đơn vị đã thu mua được hơn 1.000 tấn lúa tươi bị ướt cho bà con nhân dân, trong số đó có rất nhiều lúa bị mọc mầm do bị ngâm nước dài ngày. Chỉ tính riêng từ ngày 28/8-6/9, đơn vị đã sấy khoảng 300 tấn lúa cho bà con trên địa bàn.

Để thực hiện được điều này, đơn vị đã huy động tối đa nhân lực, túc trực ngày đêm thậm để sấy lúa cho bà con các vùng ngập do lũ. Đơn vị chỉ thu lại chi phí tiền than, tiền điện, vận chuyển còn lại hỗ trợ hết cho bà con bởi nếu không được sấy kịp thời thì sẽ bị hư hại hết…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục