Quốc hội khóa XV: Kiểm soát tăng trưởng tín dụng để ổn định thị trường

20:25' - 08/06/2022
BNEWS Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư dựa nhiều vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Phiên chất vấn người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nóng lên vào cuối giờ chiều 8/6, khi có những tranh luận liên quan đến tình trạng hết room tín dụng, diễn biến không bình thường của thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước…

* Kiểm soát tăng trưởng tín dụng

Nêu thực tế, hiện nay, nhu cầu vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp khá cao, tuy nhiên, nhiều ngân hàng lại trong tình trạng “hết room tín dụng” (giới hạn cho vay – PV) và đề xuất với Ngân hàng Nhà nước nới thêm hạn mức tín dụng để góp phần hỗ trợ tăng trưởng, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chất vấn về “tính hợp lý của cơ chế cấp hạn mức tín dụng hằng năm cho các ngân hàng thương mại.

 

Cơ chế này có phải can thiệp vào hoạt động của ngân hàng hay không? Khả năng nới room tín dụng trong thời gian sắp tới ?”

Nhận định đây là “một câu hỏi rất hay”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, lần đầu tiên Quốc hội chất vấn việc phân bổ về hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Nội dung này hầu hết các tổ chức tín dụng đang rất quan tâm. Khẳng định đây là vấn đề rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thống đốc nghiên cứu kỹ để trả lời thỏa đáng.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư dựa nhiều vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hiện nay, dư nợ tín dụng trên GDP của nước ta đang ở mức là 124% và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ cao nhất.

“Khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng hệ thống ngân hàng thì mỗi khi có các cú sốc như COVID, biến động của tình hình kinh tế thế giới, doanh nghiệp và người dân khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh... sẽ lập tức ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng mất khả năng chi trả thì sẽ hệ lụy đến cả nền kinh tế.

Chính vì vậy, đặt ra kiểm soát tăng trưởng tín dụng là một vấn đề và trên thực tế Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp này từ những năm 2011 và thấy đây là một biện pháp rất hiệu quả trong tổ chức điều hành, chính vì vậy mới đưa thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định trở lại”, người đứng đầu ngành Ngân hàng chia sẻ.

Nữ Thống đốc cho biết, trước đây, trong thời gian không có kiểm soát về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng này, các ngân hàng, tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng rất cao, có nhiều năm tăng trưởng tín dụng trên 30%/năm, cá biệt có những năm tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên đến 53,8%, như vậy sẽ tạo ra cuộc đua lãi suất nhằm huy động được nguồn tiền để cho vay.

Thị trường vốn của chúng ta hiện nay đang trong quá trình phát triển non trẻ. Khi phát triển thị trường vốn, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay trung, dài hạn từ những phân khúc thị trường này và chỉ vay vốn ngắn hạn phục vụ cho vốn lưu động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ hệ thống ngân hàng, khi đó, áp lực đối với việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ bớt đi.

Về phân bổ cho các tổ chức tín dụng, theo bà Nguyễn Thị Hồng, có những nguyên tắc chung, trên nền tảng phân loại các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng nào có tình hình lành mạnh, quản trị tốt hơn thì được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An chia sẻ với Thống đốc về việc phải bảo đảm an toàn đối với lĩnh vực tín dụng, tránh rủi ro, song, đại biểu cho rằng, cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại hiện nay “còn dáng dấp của quản lý theo kiểu bao cấp và có lẽ nó không phù hợp trong bối cảnh này”.

Chúng ta đã cấp hàng năm dẫn đến chuyện năm nào cũng phải cấp lại, khi cần thiết các ngân hàng lại phải đi xin để nới room. Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất của 40.000 tỷ đồng, tức là chúng ta có tiền mà lại không cho vay được, các ngân hàng muốn cho vay cũng khó.

*Băn khoăn chênh lệch giá vàng

Đề cập đến diễn biến không bình thường của thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước, đặc biệt là từ đầu năm 2022 đến nay đã thể hiện thị trường này có rất nhiều điểm bất ổn và bất hợp lý, đặc biệt là chênh lệch quá cao về giá vàng tại Việt Nam với giá vàng trên thị trường thế giới, có lúc lên đến trên 20 triệu đồng trên một lượng, chênh lệch quá khắc nghiệt giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng trang sức SJC cùng hàm lượng hoặc với giá vàng miếng của các thương hiệu khác, gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và làm gia tăng lạm phát, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) chất vấn về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước.

“Ngân hàng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra yếu tố hình thành giá khi giá vàng miếng biến động bất thường hay chưa? Liệu có sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay hay không?

Đến thời điểm nào thì Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CPđể có thể xử lý một cách căn cơ các vấn đề bất cập của hoạt động kinh doanh vàng trong suốt thời gian qua”, đại biểu nêu.

Khẳng định giá vàng trên thị trường quốc tế thời gian qua diễn biến rất phức tạp và khó lường, giá vàng trong nước có cùng xu hướng với giá vàng của thế giới, nhưng tốc độ điều chỉnh tăng của giá vàng trong nước nhanh hơn và tốc độ điều chỉnh giá vàng xuống lại chậm hơn giá vàng của thế giới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, qua đánh giá, phân tích cho thấy, giá vàng của các nhãn thương hiệu khác ngoài SJC, tức là vàng nguyên liệu, về cơ bản, chênh vào khoảng 2 triệu đồng/lượng so với quốc tế. Riêng giá vàng SJC tăng ở mức lớn, khoảng 16-17 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân được bà lý giải là do thực hiện chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế, từ năm 2014 trở lại đây Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng, nguồn cung vàng miếng trong nước đã bị giảm đi, vì có thể có một phần vàng đó được chuyển sang sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Với biến động của giá vàng thế giới như vậy, bản thân các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng, khi niêm yết giá cũng rất lo ngại về rủi ro, nên thường niêm yết giá rất cao. Với SJC là một thương hiệu vàng người dân ưa chuộng hơn cả, nên niêm yết giá cao.

Trên thực tế, giá vàng niêm yết, giá vàng mua và giá vàng bán của các tổ chức về cơ bản chênh nhau khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/lượng. Đối với SJC mua cao thì bán cao và các thương hiệu vàng khác mua thấp lại bán thấp.

Với vai trò quản lý nhà nước về vấn đề vàng, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để can thiệp nếu cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, qua tổng hợp số liệu của các tổ chức kinh doanh vàng cho thấy người dân không có nhu cầu mua vàng miếng nhiều.

“Có số liệu là bán ròng, có nghĩa khi giá càng cao thì nhiều người dân mang đi bán để lấy Việt Nam đồng. Chúng tôi chưa tổ chức thực hiện nhập khẩu về để can thiệp, nhưng đã xây dựng phương án, trong trường hợp cần thiết sẽ thực hiện”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu quan điểm “có lẽ Việt Nam là nước duy nhất đi ngược với thế giới là khi giá vàng thế giới giảm thì chúng ta lại tăng”. Theo đại biểu, đằng sau câu chuyện này có làm lợi cho doanh nghiệp, tổ chức nào hay không thì cần phải phân tích, đánh giá kỹ.

“Tôi không ủng hộ chuyện chúng ta tích lũy và cũng không tốt gì cho nền kinh tế khi chúng ta tập trung vào đó, nhưng việc quy luật kinh tế như thế tôi thấy rất có vấn đề”, đại biểu này nói.

Bày tỏ đánh giá rất cao việc điều hành thị trường vàng, quản lý các hoạt động kinh doanh vàng để tránh việc vàng hóa trong thời gian qua, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phương Thủy lại băn khoăn “việc chúng ta độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia là SJC có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao như hiện nay hay không?

Bởi vì cũng là vàng miếng, cũng đúc như thế, chỉ không phải là thương hiệu SJC thì hiện nay giá trên thị trường chỉ khoảng 54,5 triệu đồng/lượng (giá ngày 8/6 của thương hiệu Bảo Tín Minh Châu), chênh nhau 15 triệu đồng/lượng”. Theo đại biểu, xét về mặt giá thành hay về mặt giá thế giới thì chênh lệch như thế là quá lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục