Quốc hội Mỹ chia rẽ về vấn đề tư nhân hóa hệ thống kiểm soát không lưu

13:18' - 30/06/2017
BNEWS Quốc hội Mỹ hiện đang chia rẽ về vấn đề tư nhân hóa hệ thống kiểm soát không lưu quốc gia khi cả Thượng viện và Hạ viện đều đang thúc đẩy các dự luật tăng cường bảo vệ hành khách đi máy bay.

Ngày 29/6, Ủy ban Thương mại, Khoa học và Vận tải Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cải cách Cơ quan Hàng không liên bang (FAA), song quy định nhiệm vụ kiểm soát không lưu vẫn do FAA đảm trách. Điều này trái với dự luật được Ủy ban Vận tải và Cơ sở hạ tầng Hạ viện Mỹ phê chuẩn trước đó 2 ngày, theo đó hoạt động kiểm soát không lưu sẽ do một thực thể phi lợi nhuận giám sát.
Dự luật của Hạ viện Mỹ cũng gặp những phản ứng trái chiều. Các hãng hàng không lớn tại Mỹ như American Airlines, United Airlines, Southwest Airlines và JetBlue Airways đều ủng hộ đề xuất của Hạ viện Mỹ. Tuy nhiên, các hãng hàng không tư nhân cũng như các sân bay ở vùng nông thôn bày tỏ phản đối do cho rằng việc tư nhân hóa hệ thống kiểm soát không lưu sẽ trao quyền kiểm soát một hoạt động quan trọng cho các nhóm lợi ích đặc biệt và các hãng hàng không lớn.
Đề xuất tư nhân hóa hệ thống kiểm soát không lưu được Tổng thống Donald Trump đưa ra ngày 5/6 vừa qua trong khuôn khổ một kế hoạch lớn hơn nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng của nước Mỹ.

Tổng thống Trump cho rằng đề xuất này sẽ giúp hiện đại hóa hệ thống kiểm soát không lưu hiện nay của Mỹ mà ông cho là "cổ lỗ và lỗi thời", đồng thời giúp tiết kiệm chi phí bay. Kế hoạch của Tổng thống Donald Trump đã được các cựu bộ trưởng Giao thông của Mỹ đánh giá cao, cho đây là "giải pháp đúng đắn cho thế kỷ 21". Tuy nhiên, những người phản đối vẫn tỏ ra thận trọng, cho rằng đề xuất trên trao quá nhiều quyền cho ngành hàng không.
Dự luật trao lại quyền kiểm soát không lưu cho FAA cần được Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 30/9 tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục