Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA

09:13' - 08/06/2020
BNEWS Sáng 8/6/2020, tại Nhà Quốc hội, 457/457 Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Ngày 8/6/2020, Quốc hội tiếp tục họp đợt thứ 2 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Tại phiên họp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA và EVIPA.

Với 457 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (chiếm 94,6% tổng số đại biểu), đã có 457 phiếu tán thành. Như vậy 100% số đại biểu Quốc hội nhất trí phê chuẩn EVFTA.

 

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EVFTA. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Hiệp định EVFTA và EVIPA được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.

EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Trong bối cảnh của dịch Covid-19 đang tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới và kinh tế của Việt Nam, việc Quốc hội thông qua EVFTA và EVIPA vào thời điểm này sẽ góp phần hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch. Đặc biệt là khai thác và phát triển những thị trường tiềm năng, những thị trường có ý nghĩa chiến lược như thị trường của Liên minh châu Âu. Bởi vì, đây cũng là cơ hội rất lớn để Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các thị trường để tránh sự phụ thuộc vào một số các thị trường nhất định.

Đồng thời, việc Quốc hội thông qua EVFTA và EVIPA sẽ tiếp tục tạo đà cho việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA năm 2020, việc thông qua hai hiệp định này sẽ thêm phần khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong các cam kết quốc tế qua đó nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

* Quá trình đàm phán, ký kết và thông qua EVFTA và EVIPA

Tháng 10-2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 6-2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 12-2015: Sau 14 phiên đàm phán, hai bên đã khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký Hiệp định.

Tháng 6-2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật.

Tháng 6-2018: EVFTA được tách làm 2 hiệp định gồm: Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA

Tháng 10-2018: Ủy ban châu Âu chính thức thông qua hai Hiệp định này.

Ngày 30-6-2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và EVIPA.

Ngày 21-1-2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA.

Ngày 12-2-2020: Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA và EVIPA.

Ngày 30-3-2020: Hội đồng châu Âu thông qua EVFTA.

Ngày 8-6-2020, Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định EVFTA và EVIPA./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục