Quý 3/2018, số lao động có việc làm sẽ tiếp tục tăng

19:50' - 18/09/2018
BNEWS Dự báo, quý 3/2018, tổng số lao động có việc làm khoảng 54,26 triệu người, tăng 237 nghìn người (0,44%) so với quý 2/2018 và tăng 0,91% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý 2/2018, số người có việc làm tăng lên . Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Một số ngành tiếp tục tăng nhu cầu lao động như: sản xuất đồ uống, dệt, in, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; thoát nước. Một số ngành dự báo lao động giảm là nông lâm thủy sản, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên, khai khoáng, sản xuất xe có động cơ, sản xuất giường, tủ, bàn ghế.

Tại hội thảo "Cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 18" do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, chiều 18/9, ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: Trong quý 2/2018, số người có việc làm tăng lên, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Theo đó, số người có việc làm là hơn 54 triệu người, tăng gần 30 nghìn người và tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Số người làm việc trong lĩnh vực nông lâm thủy sản giảm nhiều nhất với gần 180 nghìn người.

Tiếp đến là các ngành Công nghiệp chế biến chế tạo, hoạt động tài chính và ngân hàng, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ. Ngành có số người làm việc tăng nhiều nhất là Bán buôn bán lẻ, Sửa chữa ô tô, mô tô, Xây dựng, Giáo dục đào tạo…

Tỷ lệ thất nghiệp cả nước giảm nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng đáng kể với hơn 511 nghìn người. Trong khi đó, thất nghiệp trong nhóm cao đẳng, trung cấp có tỷ lệ thất nghiệp giảm hơn.

Ông Đào Quang Vinh nhận định: Giữa các quý bao giờ cũng có sự biến động nhưng biến động này không đáng kể. Bởi, so với các nước khác, kể cả các nước trong khu vực thì tỷ lệ thất nghiệp hiện nay trong khu vực châu Á lên đến 10% ở thanh niên. Còn nhiều nước thậm chí lên 20-30%. Như vậy tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Việt Nam (7%) so với mặt bằng chung vẫn là thấp.

Cũng trong quý 2/2018, thu nhập của hầu hết các ngành đều giảm nhẹ so với quý 1. Thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,62 triệu đồng, giảm 166.000 đồng so với quý 1 và tăng 223.000 so với cùng kỳ năm 2017.

Thu nhập của người lao động trong hầu hết các ngành đều giảm so với quý 1, trừ ngành xây dựng và nghệ thuật vui chơi giải trí tăng nhẹ, trong đó giảm nhiều nhất là ngành khai khoáng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, mặt bằng chung vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước.

Lao động làm công hưởng lương có trình độ đại học có thu nhập cao nhất, khoảng 7,87 triệu đồng, tiếp theo là nhóm có trình độ sơ cấp (6,51 triệu đồng).

Thu nhập của tất cả các nhóm chuyên môn kỹ thuật đều giảm so với quý 1, trong đó giảm cao nhất là nhóm có trình độ sơ cấp và nhóm có trình độ đại học trở lên.

Quý 2/2018, có 16,5 % lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp (3,33 triệu đồng/tháng). Trong số lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp, có 52,8% là lao động giản đơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục