Tăng tỷ lệ năng lượng sạch có ảnh hưởng gì tới lao động và cộng đồng?

14:13' - 18/09/2018
BNEWS Vấn đề đảm bảo công việc cho người lao động và cộng đồng có liên quan để chuyển dịch năng lượng hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Đảm bảo công bằng cho người lao động khi tăng tỷ lệ năng lượng sạch. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Phát triển các dạng năng lượng sạch và giảm thiểu các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường là một xu hướng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo công việc cho người lao động và những cộng đồng có liên quan để chuyển dịch đó diễn ra công bằng, không gây ra những bất ổn xã hội hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Để tìm lời giải cho vấn đề này, ngày 18/9, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp cùng Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác, đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng”.

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của GreenID đã công bố nghiên cứu về số lượng và chất lượng việc làm khi chuyển dịch năng lượng diễn ra và cách thức đạt được sự chuyển dịch công bằng trong ngành năng lượng ở Việt Nam.

“Chuyển dịch năng lượng công bằng” không chỉ đề cập đến tác động môi trường, mà còn bao gồm cả các thay đổi về kinh tế và xã hội cần thiết nhằm thúc đẩy sự dịch chuyển năng lượng trên phạm vi toàn cầu, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Theo bà Nguyễn Hoàng Nguyên, đại diện Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, thành viên nhóm nghiên cứu Chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam, để xây dựng 1 nhà máy điện than 600MW, số lao động bình quân sử dụng là 2.000 lao động, thời gian xây dựng là 3,5 năm, số việc làm quy đổi là 7.000 lao động. Hệ số tạo ra việc làm từ xây lắp là 13 lao động/MW.

Đánh giá của bà Nguyên cho hay, trong ngắn hạn và trung hạn (đến năm 2025), số việc làm từ xây lắp và duy trì bảo dưỡng của kịch bản sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm điện là thấp hơn so với kịch bản cơ sở. Tuy nhiên, sau giai đoạn này thì số việc làm sẽ tăng lên đáng kể.

Cơ cấu việc làm sẽ chuyển dịch rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng trong các ngành năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, hiện nay mức lương của người lao động trong các nhà máy điện gió, điện mặt trời không cao hơn mức lương tại các nhà máy nhiệt điện. Do đó chưa thể thu hút được lao động học các kỹ năng cần thiết để làm việc.

Cùng với đó, kỹ năng nghề của người lao động cho năng lượng tái tạo còn thiếu hụt. Chưa có nhiều cơ sở đào tạo tại Việt Nam về lĩnh vực này, mà chủ yếu đang thuê nước ngoài.

Bà Nguyên nói: “vì thế, Chính phủ cần có chương trình đào tạo kỹ năng nghề cần thiết cho lao động để tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi. Đảm bảo sự tham gia của người lao động và cộng đồng địa phương vào quá trình hoạch định chính sách về phát triển năng lượng và chuyển đổi năng lượng”.

Theo chuyên gia đến từ Viện Friedrich Ebert Stiftung Việt Nam – Manuela Mattheb, có 8 nguyên tắc chuyển dịch năng lượng công bằng; trong đó, nhấn mạnh đến quá trình chuyển dịch tạo ra công việc tốt trong phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, phản ánh các cam kết hỗ trợ những người đang mất việc làm và phấn đấu để giảm thiểu rủi ro khí hậu của nhóm người dễ bị tổn thương, đồng thời góp phần đảm bảo bình đẳng giới...

Chuyển dịch năng lượng công bằng nên được giải quyết theo cách tiếp cận song song bằng cách lồng ghép thông qua các chính sách ngành và bằng cách phát triển các chương trình chuyển dịch công bằng khác biệt, vị chuyên gia này kiến nghị.

Cũng theo bà Koos Neefies, đại diện từ Friedrich Ebert Stiftung, chuyển dịch năng lượng có thể đến từ việc cải thiện tiếp cận năng lượng, như bếp đun cải tiến, hầm khí sinh học, bình nước nóng năng lượng mặt trời.

Điều này sẽ giúp ích rất lớn cho những người lao động thu nhập thấp, phụ nữ, người nghèo ở nông thôn... hưởng lợi từ năng lượng tái tạo.

Đối với các nhà máy lớn, thâm dụng nhiều lao động như may mặc, giày dép, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trên mái nhà có thể tiết kiệm chi phí năng lượng, giúp cho công nhân làm việc tốt hơn (như quạt làm mát liên tục)... Việt Nam cần có thêm những nghiên cứu cụ thể hơn và quy định liên quan đến vấn đề này.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Chính phủ phê duyệt ngày 18/3/2016, công suất nhiệt điện than vào năm 2030 đã giảm xuống 55.300 MW, chiếm khoảng 42,6% cơ cấu nguồn điện.

Nghiên cứu “Các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam” do GreenID thực hiện chỉ ra rằng, nếu xem xét chi phí ngoại biên và ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Việt Nam có cơ hội giảm tỷ trọng nhiệt điện than xuống khoảng 24,4%, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên khoảng 30%, đồng thời điện khí cũng sẽ có vai trò lớn hơn chiếm khoảng 22,8%.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục