Quy định mới về quản lý tài chính với dự án đối tác công tư

15:48' - 22/04/2016
BNEWS Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 55/2016/TT-BTC quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và chi phí lựa chọn nhà đầu tư.

Về quản lý, sử dụng chi phí chuẩn bị đầu tư, giám sát thực hiện hợp đồng dự án PPP, chất lượng công trình của bộ, ngành, UBND cấp tỉnh…, Thông tư quy định nguồn Ngân sách Nhà nước (NSNN) cân đối trong kế hoạch chi thường xuyên hàng năm của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh bố trí cho các nội dung chi phí chuẩn bị đầu tư quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.

Nguồn NSNN cân đối trong kế hoạch chi đầu tư phát triển hàng năm của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh; nguồn thu từ việc bán hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư; nguồn vốn do nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án hoàn trả và các nguồn vốn hợp pháp khác bố trí cho các nội dung quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.

Riêng các công trình giao thông đầu tư theo hình thức PPP được phép bổ sung nguồn trích từ chi phí quản lý dự án của các Ban Quản lý dự án theo quy định tại Quyết định số 1486/QĐ-BXD ngày 12/12/2014 của Bộ Xây dựng.

Thông tư cũng quy định việc xây dựng phương án tài chính cho các dự án PPP. Theo đó, toàn bộ chi phí và nguồn thu hợp pháp theo quy định trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án và vận hành của dự án phải được phản ánh đầy đủ trong phương án tài chính của dự án bằng Đồng Việt Nam. Các chỉ tiêu tài chính của dự án được tính toán căn cứ trên các dòng tiền sau thuế được chiết khấu theo tỷ suất chiết khấu bình quân gia quyền.

Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vay ưu đãi tham gia thực hiện các dự án PPP thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Bộ Tài chính cũng quy định các nội dung cần có trong phương án tài chính gồm: Tổng vốn đầu tư; cơ cấu nguồn vốn đầu tư; phương án huy động vốn; các đề xuất ưu đãi đảm bảo phương án tài chính của dự án (nếu có); lợi nhuận vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; thời gian thực hiện, vận hành, thu hồi vốn và lợi nhuận của dự án; phương án thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận của nhà đầu tư; chỉ tiêu đánh giá tính khả thi của phương án tài chính.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư đối với dự án có hoạt động xây dựng là tổng mức đầu tư xây dựng được xác định theo quy định pháp luật về đầu tư xây dựng và vốn lưu động ban đầu để đưa dự án vào khai thác, vận hành theo tiêu chuẩn, kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với dự án không có hoạt động đầu tư xây dựng, tổng vốn đầu tư là toàn bộ các chi phí đầu tư để đưa dự án vào khai thác, vận hành và chi phí vận hành dự án trong năm đầu tiên được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án như vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài không tính vào tổng vốn đầu tư khi xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu.

Về thời hạn thanh toán vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP, Thông tư cũng quy định: Kế hoạch vốn hàng năm bố trí cho phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia vào dự án chỉ thanh toán cho khối lượng hoàn thành được nghiệm thu theo quy định (hiện nay là đến 31/12 năm kế hoạch); thời hạn thanh toán khối lượng hoàn thành thực hiện theo quy định (hiện nay là đến hết 31/1 năm sau).

Trường hợp vốn đầu tư của Nhà nước không thanh toán hết trong năm kế hoạch, cơ quan nhà nước có thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn theo quy định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục