Quy định rõ nguyên tắc, kỹ thuật phân loại rác tại nguồn

21:32' - 11/10/2023
BNEWS Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Trong đó, nội dung phân loại rác tại hộ gia đình được chú trọng, nhằm hướng tới việc sau ngày 31/12/2024, thực hiện xử phạt đối với hộ gia đình không phân loại rác, được quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ "quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" và tại khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Một bãi rác tự phát. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Bà Dương Thị Thanh Xuyến, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tính đến nay, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã nhận được 50 văn bản phản hồi của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, đa số các tỉnh đều có ý kiến đồng thuận và mong muốn sớm ban hành Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 15/48 tỉnh thống nhất hoàn toàn với dự thảo.

Trên cơ sở góp ý của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo đảm bảo đúng quy định và tính khả thi khi thực hiện.

Theo đó, Dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt nêu rõ nguyên tắc phân loại và kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt kèm theo phụ lục hướng dẫn giúp UBND các tỉnh căn cứ vào những nội dung để cụ thể hóa, triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý tại địa phương, đảm bảo phù hợp với các luật hiện hành.

Theo điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng là giấy các loại (tạp chí, báo, giấy, sách vở cũ, thùng, bìa carton, hộp giấy carton, bì thư, hóa đơn, giấy vụn khác), nhựa các loại (chai, bình, ống, can, thùng, hộp, khay đựng, các vật dụng bằng nhựa có ký hiệu PET, HDPEP, LDPE, PP, …), kim loại các loại (vỏ lon nhôm, sắt, các vật dụng bằng kim loại khác như nồi, chảo, ấm, đinh, vít, sắt, thép vụn...).

Chất thải thực phẩm từ sinh hoạt trong gia đình, nấu ăn như rau củ quả thải bỏ, đồ ăn dư thừa, hư hỏng, bã trà, bã cà phê… và các loại cây, cỏ, hoa lá, xác động vật nhỏ từ sân vườn…. không được thải bỏ chung với rác sinh hoạt. Đối với rác có kích thước lớn (xà bần, gỗ, tủ, bàn…), hộ gia đình, chủ nguồn thải cần liên hệ, thỏa thuận với đơn vị thu gom, vận chuyển có chức năng để chuyển giao, vận chuyển.

Nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác bao gồm tất cả các loại chất thải rắn sinh hoạt không có chứa yếu tố độc hại và không thuộc nhóm chất thải tái chế hoặc chất thải thực phẩm(tã trẻ em, băng vệ sinh, vỏ bao bì, bánh kẹo, giấy bạc, dây da, dây điện, đồ sành, sứ, gốm vỡ, túi nilon, giấy ăn đã sử dụng, vải sợi rách, quần áo cũ, khăn cũ, găng tay cao su, đầu lọc thuốc lá, tóc, đất, cát, dao, lưỡi lam, kéo, vỏ sò, ốc, trấu thải, tro than…).

Ngoài ra, chất thải nguy hại cũng cần được phân loại để xử lý nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường (bóng đèn, pin, ắc quy, bình xịt côn trùng, bình đựng hóa chất, thiết bị điện tử gia dụng, nhiệt kế, vỏ bình ga mini…)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục