Quy hoạch đồng bộ – Động lực để Phú Thọ phát triển bền vững

10:49' - 23/07/2025
BNEWS Không đơn giản là phép cộng cơ học về diện tích và dân số, việc hợp nhất ba tỉnh chính là cuộc "tái cấu trúc không gian phát triển" của một chỉnh thể hành chính mới.
Sau hợp nhất ba tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ và Vĩnh Phúc, vùng đất Phú Thọ mới không chỉ mở rộng về quy mô mà còn gánh trên vai một trọng trách chiến lược: trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khát vọng đó, tỉnh Phú Thọ phải "tái thiết" tư duy phát triển bằng một bản quy hoạch hiện đại, đồng bộ, tích hợp lợi thế từng vùng, kết nối chặt chẽ không gian kinh tế - văn hóa – xã hội. Quy hoạch không còn là nhiệm vụ hành chính, mà phải là "bệ phóng" chiến lược cho sự bứt phá bền vững của vùng đất giàu tiềm năng này.

Ba nền tảng – Một bản giao hưởng phát triển

Sau khi hợp nhất ba tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ và Vĩnh Phúc, vùng đất Phú Thọ mới không chỉ mở rộng về địa giới hành chính, đông hơn về dân số mà còn có cơ hội lớn để tái cấu trúc mô hình phát triển. Quan trọng hơn, đây là thời điểm để định hình một trung tâm kinh tế - văn hóa mới cho khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Trong bức tranh phát triển ấy, công tác quy hoạch giữ vai trò then chốt, là "kim chỉ nam" giúp khai mở tiềm năng, phát huy lợi thế vùng và đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn.

Không đơn giản là phép cộng cơ học về diện tích và dân số, việc hợp nhất ba tỉnh chính là cuộc "tái cấu trúc không gian phát triển" của một chỉnh thể hành chính mới. Vĩnh Phúc cũ, vốn được biết đến như "công xưởng phía Bắc" với các khu công nghiệp lớn như Khai Quang, Thăng Long Vĩnh Phúc, Bá Thiện, đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển công nghiệp phụ trợ miền Bắc. Song, tốc độ đô thị hóa nhanh lại kéo theo những hệ lụy về hạ tầng, môi trường và sự hình thành các đô thị tự phát.

Phú Thọ cũ – vùng đất Tổ linh thiêng – là trung tâm văn hóa, lịch sử giàu truyền thống, nơi thành phố Việt Trì từng là hạt nhân phát triển công nghiệp nhẹ, dịch vụ và du lịch tâm linh. Tuy nhiên, sự phát triển giữa vùng đồng bằng, trung du và miền núi vẫn còn khoảng cách, nhiều vùng trũng quy hoạch vẫn tồn tại, chưa có sự kết nối hiệu quả giữa các không gian phát triển.

Trong khi đó, Hòa Bình cũ lại sở hữu hệ sinh thái rừng, hồ và nguồn thủy điện lớn, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nông nghiệp hữu cơ. Thế nhưng, các vùng sâu, vùng xa lại chưa được khai thác đúng mức do thiếu nguồn lực và một chiến lược dài hạn.

Ba nền tảng khác biệt đó nay đã hợp thành một thể thống nhất – tỉnh Phú Thọ mới – mở ra cơ hội hình thành một "bản giao hưởng phát triển" nếu có thể khai thác hiệu quả lợi thế từng vùng, kết nối chúng một cách hài hòa trong chiến lược phát triển chung.

Quy hoạch tích hợp – ngọn đèn soi đường

Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện tại, tỉnh đang khởi động xây dựng Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2026–2035, tầm nhìn đến năm 2050. Điều đặc biệt, đây không phải phép "chắp vá" từ ba bản quy hoạch cũ, mà là một cuộc kiến tạo không gian phát triển hoàn toàn mới, đặt trên nền tảng tích hợp hiện đại. Theo định hướng, không gian tỉnh sẽ được thiết kế thành ba vùng chức năng chiến lược.

Vùng động lực kinh tế phía Đông, trải dài từ Vĩnh Yên qua Việt Trì đến thành phố Hòa Bình cũ, sẽ đóng vai trò là "đầu tàu" tăng trưởng. Đây là khu vực hội tụ công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics, đô thị thông minh và đổi mới sáng tạo. Các khu công nghiệp mới cần được quy hoạch bài bản, hiện đại, tránh tái diễn tình trạng quá tải hạ tầng như tại Vĩnh Phúc trước đây.

Vùng sinh thái – văn hóa phía Tây với hệ sinh thái rừng, hồ tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc sẽ là không gian phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nông nghiệp hữu cơ và dược liệu. Tuy nhiên, bài học từ các địa phương khác cho thấy, phát triển cần đặt bảo tồn lên hàng đầu, tránh phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.

Vùng nông – lâm nghiệp công nghệ cao phía Bắc sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp công nghệ cao và lâm nghiệp bền vững. Không gian này sẽ góp phần đảm bảo an ninh sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc.

Để ba vùng chức năng này vận hành hiệu quả, Phú Thọ mới cần triển khai đồng bộ một loạt giải pháp chiến lược. Trước tiên là xây dựng một quy hoạch tích hợp, đa chiều, kết nối chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, giữa trung tâm và vùng ven, giữa đô thị với nông thôn. Quy hoạch cần gắn liền với thực tiễn phát triển, tránh tư duy manh mún, mạnh ai nấy làm như trước đây.

Song song, việc phát triển hạ tầng giao thông phải được ưu tiên. Các tuyến cao tốc, quốc lộ liên vùng, đường sắt, cảng cạn ICD cần được quy hoạch như hệ thống "xương sống" cho phát triển kinh tế - xã hội. Điều này không chỉ giúp thúc đẩy nội lực phát triển mà còn kết nối tỉnh với vùng Thủ đô, vùng Tây Bắc, Đông Bắc và khu vực duyên hải.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là xây dựng hệ thống chuỗi đô thị vệ tinh hợp lý, giảm tải cho trung tâm Việt Trì, đồng thời phân bố dân cư, hạ tầng xã hội một cách hài hòa, tạo động lực phát triển mới cho các khu vực vùng ven.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công tác quy hoạch của tỉnh cần được số hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu minh bạch, dễ tra cứu, thường xuyên cập nhật để điều chỉnh linh hoạt phù hợp với tình hình phát triển thực tế.

Không thể thiếu sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong công tác quy hoạch. Quy hoạch sẽ không hiệu quả nếu chỉ được xây dựng trong phòng họp. Cần có sự tham vấn rộng rãi ý kiến cộng đồng, các chuyên gia và doanh nghiệp ngay từ khâu lập quy hoạch để đảm bảo tính khả thi, thực tế và đồng thuận xã hội.

Đặc biệt, quy hoạch phát triển của Phú Thọ mới phải đặt con người làm trung tâm. Không chỉ là xây dựng nhà máy, khu công nghiệp hay khu đô thị, mà còn phải tạo lập không gian sống, làm việc, nghỉ dưỡng chất lượng cho người dân; phát triển kinh tế hài hòa với bảo tồn văn hóa và gìn giữ môi trường.

Chỉ khi từ bỏ tư duy cũ, coi quy hoạch là công cụ hành chính đơn thuần, Phú Thọ mới có thể thực sự "lột xác". Quy hoạch không chỉ là tổ chức không gian phát triển, mà phải là chiến lược tổng thể để tổ chức lại không gian sống, kinh tế, văn hóa và xã hội của cả một vùng đất rộng lớn. Chỉ có tư duy chiến lược, kết nối vùng hiệu quả và tầm nhìn dài hạn mới giúp Phú Thọ mới bứt phá trở thành cực tăng trưởng mới của Trung du, miền núi phía Bắc.

Một bản quy hoạch chuẩn xác sẽ là ngọn đèn soi đường. Khi tư duy mới gặp công cụ hiện đại, thực thi đồng bộ và cộng đồng đồng thuận, Phú Thọ không chỉ là tỉnh mới về địa giới, mà sẽ trở thành hình mẫu về quy hoạch vùng trong thời đại phát triển bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục