Quy trình xử lý các quy định về quản lý trên hệ thống giám sát tàu cá

10:29' - 21/10/2019
BNEWS Quy trình này nhằm đảm bảo tiếp nhận, cung cấp và xử lý dữ liệu thông tin giám sát hành trình tàu cá hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam và tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình.
Kiên Giang có gần 4.000 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên thuộc nhóm tàu khai thác xa bờ bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh minh họa: Văn Tý-TTXVN

Chi cục Thủy sản Kiên Giang triển khai quy trình xử lý các quy định về quản lý trên hệ thống giám sát tàu cá đối với chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đăng ký, đăng kiểm tại tỉnh Kiên Giang.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết: “Quy trình này nhằm đảm bảo tiếp nhận, cung cấp và xử lý dữ liệu thông tin giám sát hành trình tàu cá hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam và tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình; qua đó, ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).”
Theo đó, khi phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá tại trạm bờ của Chi cục Thủy sản, lực lượng trực ban xác định thông tin về tàu, vị trí, khoảng cách tàu vượt đường ranh giới vùng biển Việt Nam, vận tốc, hướng di chuyển và điện thoại, yêu cầu chủ tàu liên hệ với thuyền trưởng đưa tàu về vùng biển Việt Nam.

Trực ban báo cáo vụ việc với lãnh đạo và thông báo cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Vùng Cảnh sát biển 4, Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn 28, Chi cục Kiểm ngư Vùng V để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trong 24 giờ, tàu cá chưa quy về hải phận vùng biển Việt Nam, Chi cục Thủy sản Kiên Giang phối hợp với các đơn vị chức năng và địa phương xử lý theo quy định hiện hành, với mức phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng tùy theo hành vi vi phạm và áp dụng những hình thức xử phạt khác.
Tiếp đến, đối với tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển, lực lượng trực ban xác định thông tin về tàu, vị trí tắt thiết bị và điện thoại cho chủ tàu yêu cầu mở thiết bị giám sát hành trình 24/24; ghi nhận lại thông tin phản hồi của chủ tàu, báo cáo vụ việc với lãnh đạo.
Trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, trực ban yêu cầu chủ tàu cá liên hệ thuyền trưởng sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác, thông báo vị trí tàu cá về trung tâm giám sát tàu cá 6 giờ/lần và đưa tàu về sửa chữa thiết bị.

Nếu chủ tàu, thuyền trưởng cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, với mức phạt tiền 300 - 500 triệu đồng, 500 - 700 triệu đồng, 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tùy theo hành vi vi phạm và áp dụng những hình thức xử phạt khác theo quy định.
Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, tỉnh có gần 4.000 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên thuộc nhóm tàu khai thác xa bờ bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, đã có 2.587 tàu cá lắp đặt thiết bị này và tỉnh phấn đấu hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động trên biển trong quý I/2020.
Trong 9 tháng năm 2019, tỉnh Kiên Giang tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá ngư dân sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép còn xảy ra, chưa được ngăn chặn triệt để, với 41 tàu và 440 ngư dân vi phạm, tăng 10 tàu và 148 ngư dân so với cùng kỳ năm 2018.
Đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã xử lý 32 vụ/32 đối tượng/40 phương tiện, xử phạt gần 3 tỷ đồng, tước giấy phép có thời hạn 31 phương tiện khai thác hải sản và tước 13 bằng thuyền trưởng./.
>> Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Chấm dứt đánh bắt bất hợp pháp vùng biển nước ngoài

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục