Ra mắt tour mới: “Hoàng thành Thăng Long và làng gốm Bát Tràng''

17:20' - 25/03/2023
BNEWS “Hoàng thành Thăng Long và làng gốm Bát Tràng '' là một trong những sản phẩm tour mới được xây dựng để mang đến trải nghiệm thú vị khi tìm về những giá trị lịch sử, những địa điểm tuy cũ nhưng mới.

Lễ hội Du lịch 2023 diễn ra từ ngày 24-26/3, do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội cùng Câu lạc bộ lữ hành Unesco đã tổ chức có nhiều hoạt động hấp dẫn, một trong các hoạt động đó là chương  trình khảo sát Hoàng thành Thăng Long và làng gốm Bát Tràng. Đây là một trong những sản phẩm tour mới được xây dựng để mang đến trải nghiệm thú vị khi tìm về những giá trị lịch sử, những địa điểm tuy cũ nhưng mới.

“Hoàng thành Thăng Long và làng gốm Bát Tràng '' là một trong những sản phẩm tour mới được xây dựng để mang đến trải nghiệm thú vị khi tìm về những giá trị lịch sử, những địa điểm tuy cũ nhưng mới lạ. Tham gia chuyến khảo sát các điểm du lịch Hà Nội dịp này có sự góp mặt trên 40 doanh nghiệp lữ hành trong cả nước. Mở đầu chương trình, du khách được tham quan Hoàng Thành, đây là quần thể di tích gắn liền với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội, trở thành di tích quan trọng trong hệ thống di tích của Việt Nam.

Xuất phát từ cổng Đoan Môn - cửa dẫn vào Cấm thành, nơi ở và làm việc của nhà vua xưa kia. Tham gia tour, đoàn khảo sát được trải nghiệm không gian Hoàng thành xưa, chiêm ngưỡng những hiện vật, cổ vật quý giá được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long trong nhà trưng bày với chủ đề “Thăng Long Hà Nội - Lịch sử nghìn năm từ lòng đất”, dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế tại khu vực thềm điện Kính Thiên.

Điểm tham quan cuối cùng trong lộ trình khánh phá Hoàng Thành Thăng Long là Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Đây là khu di tích có nhiều dấu tích lịch sử được khai quật nhiều nhất. Từ các viên gạch của nền nhà, móng nhà, giếng cổ, trụ móng, tượng rồng… Tại đây, sau nhiều năm khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm được hàng triệu hiện vật có niên đại xen lẫn nhau, chồng xếp lên nhau qua suốt 1.300 năm.

Kết thúc tour Hoàng thành, đoàn nghỉ chân dưới tán cây bồ đề và được chiêu đãi nhiều món ăn như bánh cốm, bánh dày, chè yến, và thưởng trà... Để mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách khu Hoàng thành hiện đang triển khai hai gói sản phẩm Tour ban ngày và Tour ban đêm (vào hai ngày cuối tuần thứ 7 và chủ nhật).

Sau thời gian khám phá Hoàng thành Thăng Long, du khách lên xe buýt hai tầng tiếp tục hành trình khám phá, tìm hiểu về làng cổ Bát Tràng. Trên đường di chuyển, du khách được hưỡng dẫn viên chuyên nghiệp giới thiệu về các di tích lịch sử Hà Nội một số tuyến đường chính như Trần Phú, Điện Biên Phủ …

Về Bát Tràng, du khách được tham quan tìm hiểu về đình Bát Tràng, chợ gốm Bát Tràng… Đặc biệt, Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, không chỉ có kiến trúc độc đáo với 7 hình bàn trụ xoay gốm mà nơi đây còn là trung tâm nghệ thuật gốm sứ khi gìn giữ nghề truyền thống làm gốm làng Bát Tràng, không gian trưng bày và quảng bá hình ảnh gốm sứ Việt.

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt cho biết, Trung tâm được các nghệ nhân của làng nung nấu ý tưởng từ hơn 10 năm trước và chính thức hoàn thành phần xây dựng cơ bản năm 2018 trên diện tích 3.300 m2, với mong muốn tôn vinh nghề gốm, vinh danh quê hương, quảng bá các giá trị văn hóa của Làng gốm Bát Tràng, nhiều năm qua.

Trung tâm luôn là “cầu nối” đưa những tinh hoa văn hóa nghề gốm tới du khách trong và ngoài nước. Nơi đây còn đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ của làng Bát Tràng, giúp họ duy trì và phát triển bền vững nghề gốm của cha ông.

Theo bà Hà Thị Vinh, Trung tâm được thiết kế với hai chức năng chính: nơi lưu giữ những tinh hoa, hồn cốt của nghề sản xuất gốm Bát Tràng, là nơi trưng bày gia phả, hình ảnh, hiện vật về sự phát triển của 19 dòng họ ở Bát Tràng và nơi trưng bày các sản phẩm tinh hoa của Làng gốm Bát Tràng; trong đó, độc đáo nhất là không gian của tầng 2; đây là nơi trưng bày các sản phẩm và sự hình thành của nghề gốm sứ Bát Tràng cho đến ngày nay.

Kiến trúc tòa nhà được lấy cảm hứng từ những khối bàn xoay “vuốt gốm” truyền thống, giao thoa, nhào nặn với những mặt cong đa diện, chuyển động mềm mại và tự do đã tạo nên công trình.

Không những thế, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt hay còn gọi là Bảo tàng gốm Bát Tràng với lối kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đẹp truyền thống của nghề gốm nhưng vẫn mang trong mình hơi thở thời đại. Ngoài trải nghiệm tinh hoa làm gốm du khách được thưởng thức các món ăn truyền thống trong mâm cỗ của người dân nơi đây.

Giám đốc Sunvina Travel- ông Tạ Hữu Chiến cho biết, ông rất ngạc nhiên với  kiến trúc ở đây, theo ông Chiến, mỗi người khi về làng gốm Bát Tràng để du lịch hay tìm hiểu về nghề gốm sứ thì nên đến với không gian trưng bày của Bảo tàng gốm Bát Tràng, bởi nơi đây không chỉ trưng bày các sản phẩm gốm mà còn là nơi giới thiệu lịch sử hình thành cũng như phát triển của nghề làm gốm. “Tham quan không gian, tôi mới hiểu được phần nào về con người, văn hóa người làng Bát Tràng và cuộc sống của họ gắn với nghề nung đất làm gốm ra sao...” – ông Chiến nói.

Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết, những cuộc khảo sát du lịch như thế này là hoạt động bổ ích, tích cực chung của thủ đô Hà Nội và của Bát Tràng nói riêng, là cơ hội để Bát Tràng có thể giới thiệu những tinh hoa làng nghề có từ hàng trăm năm nay cùng sản phẩm gốm độc đáo phục vụ cho du lịch.

Trong những năm qua từ khi Bát Tràng được thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch năm 2019, Bát Tràng đã kết hợp với Sở du lịch Hà Nội, Trung tâm .. và các công ty lữ hành  tổ chức các hoạt động để quảng bá du lịch Bát Tràng, thông qua đó cho thấy hiệu quả hiệu ứng mang lại rất tích cực, người dân và du khách biết nhiều hơn đến Bát Tràng./.

>>>Các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh liên kết để bứt phá

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục