Rào cản nào khiến tiết kiệm điện chưa như kỳ vọng?

16:29' - 09/08/2022
BNEWS Cần các giải pháp để tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hiện nay, với các chỉ đạo của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng điện tiết kiệm đã đi vào cuộc sống. Người dân, doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn và thực thi được nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng/tiết kiệm điện hiệu quả hơn. Tuy vậy, vẫn còn đó nhiều rào cản khiến việc tiết kiệm điện chưa như kỳ vọng.

*Nhiều vướng mắc

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giai đoạn 2010 – 2021, cả nước tiết kiệm được 37,1 tỷ kWh điện, tương ứng với 66.781 tỷ đồng tiền điện. Kết quả tiết kiệm điện năm sau cao hơn năm trước, mức tiết kiệm bình quân/năm tương ứng 2% điện thương phẩm.

Hệ số đàn hồi đã giảm từ 2 lần (năm 2010) xuống còn 1,49 lần (năm 2021), điều đó khẳng định sử dụng điện có xu thế tiết kiệm và hiệu quả hơn qua các năm. Tuy nhiên, so với thế giới và khu vực thì vẫn còn cao. Bình quân hệ số đàn hồi của các nước sử dụng năng lượng hiệu quả là dưới 1 lần.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, EVN cũng đã thực hiện tuyên truyền sâu rộng về các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời thực hiện gặp gỡ, đồng hành với doanh nghiệp để triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Các đơn vị điện lực đã ký kết thỏa thuận tham gia các chương trình DR tự nguyện phi thương mại với hơn 10.000 khách hàng có mức tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên trên phạm vi cả nước. Dự kiến EVN sẽ thực hiện một số sự kiện DR trong các tháng tiếp theo của năm 2022 trong trường hợp cực đoan về thời tiết.

Tuy vậy, đại diện lãnh đạo EVN cho rằng, bên cạnh các chỉ thị từ Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, sự vào cuộc tích cực của ngành điện thì vẫn còn đó những rào cản. Có thể kể đến như việc chậm ban hành các quy định, hướng dẫn về định mức tiêu hao năng lượng, danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ dẫn tới thiếu các rào cản kỹ thuật để hạn chế các công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

Thực tế ở Việt Nam vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng dây chuyền, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, điển hình là các nhà máy xi măng, nhà máy thép.. Theo Văn phòng tiết kiệm năng lượng, nhiều lò luyện phôi thép sử dụng năng lượng lớn, công nghệ luyện phôi thép chủ yếu là lò điện, công suất thấp, lạc hậu nên suất tiêu hao năng lượng còn cao.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn chưa xây dựng được hệ thống giám sát, đánh giá hiệu quả của các chương trình tiết kiệm điện để áp dụng, đánh giá kết quả thực hiện tiết kiệm điện; hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chưa hiệu quả, chưa phát hiện và xử lý được nhiều trường hợp vi phạm quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, báo cáo của EVN nêu.

Cũng theo ông Đặng Hải Dũng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến hoạt động tiết kiệm năng lượng, có thể các đối tượng này trong Luật mới đưa ra hình thức khuyến khích chứ chưa có chế tài ràng buộc dẫn đến các doanh nghiệp còn thờ ơ với công tác tiết kiệm năng lượng.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là chúng ta đang thiếu sự công cụ hỗ trợ tài chính đủ mạnh cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hạn chế của các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng bằng các công cụ tài chính truyền thống (như: hỗ trợ vốn, đất đai, miễn giảm thuế, phí) chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tín dụng, thuế, đầu tư, đất đai nên chưa có tác dụng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này một cách bền vững.

*Cần thêm cơ chế

Trong giai đoạn 2022-2025, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện xuống dưới 6%; giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện, ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.

EVN cho hay, bên cạnh các giải pháp về tuyên truyền tới người dân qua các kênh thông tin, thực hiện giờ trái đất thì tập đoàn cũng sẽ thực hiện các giải pháp truyền thông tới tất cả các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên.

Tuy nhiên, để làm cơ sở cho việc tiết kiệm điện, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm.

Đặc biệt Bộ Công Thương cần sớm rà soát kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010) theo hướng chuyển từ cơ chế “tự nguyện” sang “bắt buộc”; quy định rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý năng lượng…

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành cơ chế tài chính để hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm và thiết bị có hiệu suất cao, nghiên cứu ban hành cơ chế khuyến kích phát triển các nguồn năng lượng phân tán, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, ưu tiên tự dùng để phát huy tiềm năng thiên nhiên.

Cũng theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các bộ, ngành sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng áp dụng trong từng ngành sản xuất công nghiệp; phối hợp với các địa phương tổ chức đôn đốc và tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;  có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải điện…

Ông Đặng Hải Dũng cho rằng, để thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm trong thời gian tới, cần thiết phải xây dựng công cụ và giải pháp mới, phù hợp để giải quyết vấn đề thực tiễn và luật hóa chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục