Rào cản phi thuế quan có xu hướng gia tăng và phức tạp

16:36' - 28/10/2016
BNEWS Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, thách thức hàng đầu trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là rào cản phi thuế quan đa dạng và phức tạp hơn.

Tại hội thảo "Hội nhập trong nền kinh tế toàn cầu biến động: Thách thức và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp", ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, thách thức hàng đầu trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là rào cản phi thuế quan đa dạng và phức tạp hơn.

Theo phân tích của ông Trần Đình Thiên, rào cản phi thuế quan có hai loại chính gồm: hàng rào kỹ thuật (TBT) và các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch.

Trong đó, nguyên nhân khiến rào cản phi thuế quan được các quốc gia và vùng lãnh thổ ưa chuộng cũng như áp dụng ngày càng nhiều trong bối cảnh thương mại tự do toàn cầu, bởi vì đây là giải pháp ngăn chặn nhập khẩu hiệu quả hơn hàng rào thuế quan.

Tương tự, các chuyên gia khác cũng cho rằng, cuộc đọ sức trên lĩnh vực bảo hộ thương mại giữa các quốc gia hiện nay là "cuộc đấu" trí tuệ và công nghệ hơn là "cuộc chơi" đánh thuế.

Nước nào có trình độ công nghệ cao hơn sẽ có giải pháp áp đặt các TBT khắt khe hơn trước.

Đánh giá về việc cam kết và thực thi các FTA thế hệ mới, bà Bùi Thị Bích Liên, chuyên gia Luật cho rằng, các FTA thế hệ mới đòi hỏi nước thành viên tuân thủ và thực hiện quy định đã cam kết dựa trên pháp luật cũng như thông lệ quốc tế.

Đồng thời, khi thực thi những quy định trong FTA song phương, đa phương, có thể xung đột với hệ thống pháp luật trong nước.

Do đó, các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia vào sân chơi thương mại tự do, buộc phải nghiên cứu và xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia đảm bảo đáp ứng các cam kết của FTA đã tham gia ký kết.

Tương tự, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu, Trường Chính sách Công và Quản lý Fullbright, Đại học Fulbright Việt Nam cho hay, không có hệ thống pháp luật phù hợp, không có môi trường kinh doanh thì không thể khai thác được lợi thế của các FTA.

Bên cạnh đó, cần có bộ máy chuyên môn với chức năng nhiệm vụ rõ ràng thực thi việc theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu lực của pháp luật và thể chế.

Đặc biệt, đổi mới thể chế phải là một khâu đột phá, gắn kết việc đổi mới thể chế trong nước với thể chế hội nhập một cách hài hòa.

Riêng đối với Việt Nam, có xuất phát điểm thấp, nguồn lực hạn chế, nền kinh tế Việt Nam “có đặc thù riêng”, đòi hỏi có những giải pháp hiệu quả để nền kinh tế tiếp cận với các chuẩn mực, thông lệ kinh doanh tốt của thế giới.

Trong đó, cải cách thể chế môi trường kinh doanh cần có bước đi phù hợp, nhưng phải đặt trong mối quan hệ hệ thống với việc làm trước phải mở đường cho việc làm sau, không tạo ra xung đột pháp lý và mâu thuẫn chính sách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục