Làm gì để tăng xuất khẩu sang Liên minh Kinh tế Á - Âu ?

15:57' - 12/10/2016
BNEWS Theo một số chuyên gia, thách thức lớn trong Hiệp định Việt Nam - EAEU là các hạn ngạch xuất khẩu được hưởng mức ưu đãi thuế quan không rơi vào những sản phẩm vốn là chủ lực của Việt Nam
Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) sẽ là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam khai phá. Ảnh: kidd.com

Việt Nam trở thành đối tác ký Hiệp định Thương mại tự do đầu tiên với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), mang lại cơ hội lớn mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu những ngành hàng nào để khai thác hiệu quả Hiệp định này là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm thảo luận tại hội nghị "Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang Liên minh Kinh tế Á - Âu khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EAEU có hiệu lực" tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12/10.

Động lực mở cửa thị trường

Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) gồm 5 nước thành viên (Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan và Armenia), là khu vực có quan hệ chính trị, kinh tế truyền thống đối với Việt Nam.

Quan hệ thương mại song phương năm 2015 giữa hai bên là 3,6 tỷ USD (tăng 6% năm 2014), nhưng nếu tính về tỷ trọng chung, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU chỉ chiếm khoảng 1,1% tổng nhập khẩu của khối này. Đồng thời, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ EAEU chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của khối này.

Hiệp định Việt Nam - EAEU được nhận định sẽ tạo động lực mở cửa thị trường, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai bên thông qua việc giảm bớt rào cản thuế quan, phi thuế quan...

Cắt bỏ thuế quan sẽ mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường EAEU. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, theo ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế quan nhập khẩu; trong đó, có 59,3% dòng thuế xoá bỏ ngay khi Hiệp định Việt Nam - EAEU có hiệu lực. Đây là lợi thế lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh đối với các nước khác khi xuất khẩu hàng hoá vào khu vực thị trường EAEU.

Đơn cử, hiện nay thị trường Belarus rất quan tâm đến việc nhập khẩu các mặt hàng cá và thủy sản từ Việt Nam , đặc biệt là tôm, cá thu, cá tra... Tuy nhiên, ông Baturo K.G, Tùy viên Đại sứ Belarus tại Việt Nam cho rằng, việc thâm nhập thị trường của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn, do các nhà nhập khẩu Belarus chưa quen thuộc với những thương hiệu thủy sản Việt Nam.

Vì vậy, Hiệp định Việt Nam - EAEU là một cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường Belarus trong thời gian tới. Song song đó, Belarus khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng chế biến và đóng gói sản phẩm tại các xí nghiệp Belarus thông qua các liên kết hợp tác với doanh nghiệp nội địa hoặc doanh nghiệp tại Belarus .

Tương tự, ông Beketjan Jumakhanov, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam cho hay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước khai thác lợi thế cạnh tranh từ Hiệp định Việt Nam - EAEU, Kazakhstan đã nỗ lực thúc đẩy thương mại và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EAEU.

Trong đó, Đại sứ quán Kazakhstan đang thực hiện quá trình tham khảo một số vấn đề liên quan tới hợp tác ở lĩnh vực vận tải và logistics, cụ thể là đường sắt liên vận giữa hai nước. Ngoài ra, cơ cấu thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan không cạnh tranh với nhau, mà mang tính bổ sung cho nhau. Do đó, Việt Nam và Kazakhstan có nhiều cơ hội để tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước.

Nắm rõ cam kết để hưởng ưu đãi

Cơ hội nhiều nhưng thách thức không nhỏ là quy luật chung khi tham gia "sân chơi" tự do hóa thương mại, và Hiệp định Việt Nam - EAEU cũng không nằm ngoài quy luật đó. Theo một số chuyên gia, những thách thức có thể thấy rõ trong Hiệp định Việt Nam - EAEU là các hạn ngạch xuất khẩu được hưởng mức ưu đãi thuế quan không rơi vào những sản phẩm vốn là chủ lực của Việt Nam.

Cụ thể, liên quan đến vấn đề quy tắc xuất xứ, bà Trịnh Thu Hiền, Trưởng phòng, Phòng Xuất xứ hàng hoá, Cục Xuất khẩu hàng hoá, Bộ Công Thương cho biết, nhóm ngành hàng có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu từ tác động của Hiệp định Việt Nam - EAEU là dệt may, da giày và túi xách, đồ gỗ, thủy sản, rau quả, cà phê, chè...

Tuy nhiên, để tận dụng được các ưu đãi, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng những yêu cầu quan trọng về quy tắc xuất xứ gồm: ghi nhãn hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, sở hữu trí tuệ.

Còn theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may (Vitas), đối với ngành hàng dệt may, EAEU bảo hộ mặt hàng có chất liệu từ len, bông và sản phẩm cao cấp.

Đồng thời, EAEU mở cửa đối với hàng hoá thuộc phân khúc trung bình, giá bình dân. Mức thuế suất nhập khẩu dệt may sẽ giảm từ 10% xuống 0%, nhưng kèm theo là áp dụng cơ chế "phòng vệ ngưỡng" và một số sản phẩm không cam kết. Do đó, lợi ích ưu đãi đối với ngành hàng dệt may Việt Nam bị hạn chế một phần.

Các quy định áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm tại EAEU là tương đối cao. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Bên cạnh đó, cơ chế "phòng vệ ngưỡng" cũng làm phát sinh cơ chế phân bổ và giám sát chỉ tiêu, dẫn đến sẽ tạo thêm thủ tục hành chính cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Riêng đối với các ngành hàng nông sản, rau củ, quả và thuỷ sản được đánh giá là những ngành hàng hưởng nhiều thuận lợi thuế quan khi có đến 95% – 100% hàng hoá Việt Nam xuất khẩu được hưởng mức thuế 0% thay vì 10%.

Thế nhưng, các doanh nghiệp cho rằng, trong Hiệp định Việt Nam - EAEU, các quy định áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khá cao để bảo hộ hàng hóa nội địa của EAEU.

Đơn cử, trong ngành hàng cà phê, chỉ có loại cà phê xuất thô mới được hưởng ưu đãi thuế còn sản phẩm cà phê chế biến hoà tan thì không được; sản phẩm chè thì phải qua chế biến, đóng gói thành phẩm, còn sản phẩm thô có khối lượng trên 3kg/gói sẽ không được hưởng mức thuế suất ưu đãi...

Trước những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, Bộ Công Thương đã ban hành các Thông tư hướng dẫn về hạn ngạch thuế quan, triển khai nhiều hoạt động phổ biến thông tin về nội dung Hiệp định Việt Nam - EAEU.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - EAEU. Hiệp định Việt Nam - EAEU được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EAEU, từng bước đẩy mạnh hợp tác song phương các nước trong khối này.

Riêng đối với những lo lắng của doanh nghiệp xuất khẩu gạo về vấn đề hạn ngạch nhập khẩu của Việt Nam vào EAEU chỉ được 10.000 tấn/năm được phân bố cụ thể như thế nào đối với từng thị trường trong khối EAEU ?

Về vấn đề này, bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu bày tỏ, hiện tại khối EAEU, đang thành lập danh sách với khoảng 19 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu mặt hàng gạo từ Việt Nam. Đồng thời, EAEU sẽ sớm thông tin chi tiết về các doanh nghiệp đầu mối này đến cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục