RCEP và những thách thức từ đại dịch COVID-19

06:00' - 19/06/2020
BNEWS Đại dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nền kinh tế của các quốc gia và có thể là nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu ký kết RCEP trong năm nay.
Cảnh vắng vẻ tại trung tâm thương mại ở Singapore ngày 3/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS) mới đây đăng bài bình luận chỉ ra những tiến bộ mà các quốc gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã đạt được để đẩy nhanh quá trình đàm phán và nỗ lực đi đến ký kết RCEP vào cuối năm 2020.

Sự hình thành của RCEP là một quá trình rất dài. Việc ký kết RCEP vào năm 2020 không phải là không thể mặc dù hiệp định này có thể bị hủy hoại bởi sự lây lan dai dẳng của đại dịch COVID-19.

Tại Hội nghị thượng đỉnh RCEP thứ ba tại Bangkok, Thái Lan ngày 4/11/2019, các nhà lãnh đạo của 10 quốc gia ASEAN và các đối tác bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, công bố kết luận của tất cả 20 chương của thỏa thuận, với cam kết hoàn chỉnh mở cửa thị trường, tiếp cận hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.

Các cuộc đàm phán kéo dài 7 năm, bắt đầu từ 2012 đến 2019. Liệu RCEP sẽ được ký kết vào cuối năm 2020, một năm sau khi kết thúc đàm phán?

Giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng điều này sẽ xảy ra, nhưng RCEP có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đang lây lan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia thành viên RCEP.

RCEP là một thỏa thuận khu vực hướng đến hiện thực hóa mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư, và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Là một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới, RCEP có giá trị thị trường khổng lồ tương đương khoảng 24.800 tỷ USD và với số dân lên đến 2,3 tỷ người.

Thời gian ký kết RCEP được xác định bởi hai yếu tố: Ý chí chính trị và hiệu quả đánh giá pháp lý liên quan đến FTA của các đối tác RCEP. Kể từ Hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ ba tại Bangkok, Thái Lan diễn ra, RCEP đã giành được sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo của các quốc gia RCEP.

15 quốc gia, ngoại trừ Ấn Độ tuyên bố sẽ ký kết thỏa thuận vào năm 2020. Cam kết này đã được ủy ban đàm phán của RCEP thông qua một cuộc họp video vào tháng 4/2020.

Các thành viên tham gia đàm phán RCEP-15 đã dần cải thiện tính hiệu quả của quy trình thanh lọc pháp lý liên quan đến FTA. Điều này giúp cho các quốc gia thành viên rút ngắn thời gian thanh lọc pháp lý xuống còn ít hơn 1 năm thay vì mất rất nhiều thời gian như dự kiến ban đầu.

Trước khi ký kết RCEP, tất cả các tài liệu liên quan đến RCEP cần phải được xem xét pháp lý ở cấp độ kỹ thuật cao, nhằm đảm bảo RCEP phù hợp với những gì đã thỏa thuận và phù hợp với nội dung các cuộc đàm phán cũng như luật pháp và quy định của mỗi quốc gia thành viên.

Quá trình này mất rất nhiều thời gian do phải phụ thuộc vào phạm vi bảo vệ lĩnh vực hàng hóa của từng quốc gia đối tác như lĩnh vực thương mại và dịch vụ, hàng rào phi thuế quan hay quyền sở hữu trí tuệ.

Một phân tích so sánh liên quan đến các quy trình FTA ASEAN+1 cho thấy ASEAN và các đối tác FTA (trừ Trung Quốc) đã hoàn thành việc thanh lọc pháp lý các thỏa thuận trong vòng một năm. Đây là tín hiệu tốt cho sự tiến bộ của RCEP.

ASEAN và các đối tác FTA đã dành ít thời gian hơn để ký kết các FTA ASEAN+1 gần đây so với FTA ASEAN-Trung Quốc được ký kết năm 2007 và FTA ASEAN-Trung Quốc đã được ký năm 2004. Có nghĩa là để ký kết được những FTA trước đó phải mất ít nhất khoảng 13 tháng sau khi kết thúc quá trình đàm phán.

Nhưng tiến trình đi đến ký kết các FTA ASEAN+1 sau đó đã nhanh hơn rất nhiều, chẳng hạn như chỉ mất khoảng thời gian 6 tháng để các bên ký kết FTA ASEAN - Australia - New Zealand sau khi kết thúc đàm phán vào tháng 8/2008. Điều này cho thấy tính hiệu quả của ASEAN và các đối tác FTA trong việc giải quyết những vướng mắc liên quan đến tính pháp lý của các FTA.

Giới phân tích cho rằng, mặc dù ASEAN và các đối tác đã đạt được những tiến bộ nhất định trong quá trình cải thiện tính pháp lý để đi đến ký kết các FTA, nhưng trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế hiện nay, điều này có thể làm tăng hoặc giảm khả năng đi đến quyết định cuối cùng là ký kết RCEP trong năm 2020.

Về mặt tích cực, các đối tác RCEP có thể sử dụng cơ hội này để thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và kinh tế.

Mặt khác, tham vấn các bên liên quan giữa các bộ (ví dụ như bộ thương mại, nông nghiệp, tư pháp) thông qua các hội nghị trực tuyến có thể không phải là một phương tiện hiệu quả để giải quyết các vấn đề thương mại có thể được xác định trong quá trình thanh lọc pháp lý như kiểm tra và chứng nhận thủ tục, hạn ngạch hoặc áp giá tối thiểu đối với từng mặt hàng nhập khẩu.

Chưa cần biết liệu RCEP có được ký kết trong năm 2020 hay không, nhưng các quốc gia đều phải công nhận rằng việc triển khai RCEP sẽ mở đường cho ASEAN tăng cường hội nhập kinh tế với các đối tác bên ngoài.

Năm 2018, tổng thương mại hàng hóa của ASEAN (tức là nhập khẩu và xuất khẩu) được ghi nhận ở mức 2.800 tỷ USD. 34% trong đó là thương mại song phương giữa ASEAN và 5 đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc).

23% là thương mại nội khối ASEAN. Tổng số dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN được ghi nhận ở mức 152,8 tỷ USD, 25% trong số đó có nguồn gốc từ năm đối tác trên và 15% được từ các nước ASEAN.

Tóm lại, ý chí chính trị mạnh mẽ và lịch sử ký kết các FTA ASEAN+1 cho thấy có khả năng cao RCEP sẽ được ký vào cuối năm 2020, nhưng sự bùng phát dịch COVID-19 có thể làm trì hoãn những gì sẽ là điểm nhấn trong năm hội nhập kinh tế khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục