Renault-Nissan - “cuộc hôn nhân mẫu mực" trong ngành ô tô

13:57' - 16/03/2017
BNEWS Là một trong số hiếm các liên doanh xuyên lục địa trụ vững từ ngày đầu thành lập, Renault-Nissan là hình mẫu điển hình về một cách thức kết hợp độc đáo.
Renault-Nissan là hình mẫu điển hình về một cách thức kết hợp độc đáo. Ảnh: Campaign

Liên minh Renault-Nissan hình thành từ sự kết hợp giữa tập đoàn Renault của Pháp và hai thương hiệu Nhật Bản Nissan Motors và Mitsubishi Motors. Renault-Nissan bắt đầu thiết lập quan hệ từ năm 1999, và hồi tháng 10/2016 họ đã “chi bạo” khoảng 2,2 tỷ USD để mua lại 34% cổ phần của Mitsubishi.

Theo giới chuyên môn, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Renault và Nissan không phải là một vụ sáp nhập hay thâu tóm. Hai doanh nghiệp này được "buộc" với nhau thông qua một thỏa thuận lưu giữ cổ phần chéo.

Đây là cấu trúc độc nhất trong ngành công nghiệp ô tô trong suốt xu hướng hợp nhất doanh nghiệp những năm 1990 và sau này cũng được dùng làm hình mẫu trong kế hoạch hợp nhất của General Motors và PSA Peugeot Citroon.

Theo đó, Renault-Nissan phát triển theo hướng mỗi công ty hoạt động theo lợi ích tài chính của bên còn lại, trong khi vẫn duy trì thương hiệu riêng và văn hóa doanh nghiệp độc lập. Renault hiện sở hữu 43,4% cổ phần của Nissan, còn Nissan sở hữu 15% cổ phần của Renault.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc (CEO) Carlos Ghosn của Renault-Nissan có lần từng so sánh quan hệ đối tác này với một cuộc hôn nhân: Đó là khi hai người không cần phải “hội tụ” về một điểm khi kết hôn, thay vào đó mỗi người vẫn giữ lại cá tính riêng của mình và cùng xây dựng một cuộc sống, được kết hợp bởi các lợi ích và mục tiêu chung.

Mục tiêu của sự kết hợp Renault-Nissan là tăng tính kinh tế cho cả Renault và Nissan mà không “nuốt” đi cá tính của một trong hai.

Mới đây, Renault-Nissan công bố số liệu cho thấy liên doanh này duy trì vị trí đứng đầu trong dòng xe không khí thải với doanh số bán lên đến 424.797 xe chạy điện sau khi đưa ra thị trường mẫu xe Nissan LEAF và Renault ZOE.

Đặc biệt, mẫu xe Nissan LEAF đã thống trị thị trường xe điện với 250.000 xe được bán ra kể từ tháng 12/2010. Trong năm 2016, liên doanh này đã đưa ra rất nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy phát triển các dòng xe trong tương lai, đồng thời khẳng định sẽ đưa ra ít nhất 10 mẫu xe trang bị chức năng tự hành trong thời gian từ nay đến năm 2020.

Họ cũng thúc đẩy phát triển, thử nghiệm khả năng kết nối cũng như công nghệ vận hành tự động với các đối tác lớn như Microsoft và NASA.

Renault-Nissan hiện sở hữu đội ngũ nhân viên lên tới gần 450.000 người, kiểm soát các thương hiệu ô tô lớn của thế giới là Nissan, Renault, Infiniti, Renault Samsung, Motors, Dacia, Datsun, Venucia, Lada và Mitsubishi.

Theo thống kê, cứ 10 xe được bán ra trên thị trường toàn cầu thì hơn 1 chiếc thuộc Renault-Nissan. Doanh số bán xe toàn cầu năm 2016 của Renault-Nissan đạt 9,96 triệu xe, tăng gần 17% so với năm 2015 và chỉ xếp sau Volkswagen (của Đức) và Toyota (Nhật Bản).

Năm 2016, doanh số bán của riêng Groupe Renaults tăng 13,3% lên 3.182.625 chiếc, ghi dấu năm thứ tư liên tiếp doanh số tăng trưởng với mức tăng/năm cao kỷ lục là 374.000 xe ô tô.

Cả hai thương hiệu Renault và Dacia đều có một năm kỷ lục về doanh số bán, trong khi doanh số bán của Renault Samsung Motors tăng 38,8%. Thị phần và doanh số bán tại tất cả các khu vực đều tăng, đưa Renault trở thành thương hiệu ô tô lớn tại châu Âu.

Cũng trong năm 2016, Nissan Motor Co. Ltd bán ra một lượng xe kỷ lục 5.559.902 chiếc ô tô và xe tải trên toàn cầu (tăng 2,5% so với năm 2015). Doanh số bán của Nissan Motor Co. Ltd tại Mỹ và Trung Quốc tăng lần lượt 5,4% và 8,4% - đều là các mức cao kỷ lục mới tại hai thị trường này.

Hơn 230.000 xe mang thương hiệu Infiniti được bán ra trong năm 2016, tăng 7% so với năm trước đó. Riêng trong tháng 12/2016, lượng xe nhãn hiệu Infiniti được bán ra đạt 27.200 chiếc, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong khi đó, tổng lượng xe bán được trên toàn cầu của Mitsubishi Motors đạt 934.013 chiếc, giảm 13%. Trong năm 2016, doanh số bán của Mitsubishi Motors tăng tại Mỹ và Australia, nhưng lại giảm ở thị trường Brazil, Nga và Trung Đông.

Doanh số bán xe tại Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng bởi niềm tin người tiêu dùng giảm sút theo sau vụ bê bối gian lận mức tiêu thụ nhiên liệu của Mitsubishi.

Sau khi lập quan hệ đối tác với Mitsubishi, Nissan dự đoán lợi nhuận liên kết sẽ đạt 24 tỷ yen trong tài khóa 2017 và sẽ tăng lên 60 tỷ yen trong tài khóa 2018.

Theo giới quan sát, các nhân tố như xu hướng thắt chặt kiểm soát tiêu chuẩn ô tô, những thay đổi về điều kiện thị trường tại châu Âu khi nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), quan điểm bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump..., có thể sẽ tác động tới thị trường ô tô toàn cầu và thử thách sức bền của "cuộc hôn nhân" Renault-Nissan.

>> Nissan X-Trail đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng những chiếc xe yêu thích

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục