Room tín dụng nới thêm sẽ chảy về đâu?

10:51' - 08/09/2022
BNEWS Room tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; còn với bất động sản, việc cho vay sẽ tiếp tục hạn chế.

Hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm sẽ ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, giải quyết bài toán hỗ trợ khách hàng cá nhân khởi nghiệp, kinh doanh hiệu quả...

Đây là thông tin bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) khẳng định với phóng viên TTXVN liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng.

 

Theo Tổng Giám đốc Sacombank, ngân hàng này vừa được cấp thêm room tín dụng là 4%, nâng tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên 11%. Như vậy, từ nay đến cuối năm, Sacombank sẽ còn khoảng 15.000 tỷ đồng để cung ứng ra nền kinh tế.

Bà Diễm nhấn mạnh room tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Còn với bất động sản, việc cho vay sẽ tiếp tục hạn chế hoặc nếu có chỉ là thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.

Thêm nữa, bà Diễm nhận định một số ngân hàng hiện rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản, khan vốn nên phải cân đối tốt được dòng vốn mới có thể cho vay ra chứ không thể cho vay ào ào. Tại Sacombank, tuy thanh khoản dồi dào nhưng tốc độ tăng trưởng huy động và tín dụng sẽ được kiểm soát chặt và chia ra cho 4 tháng cuối năm để đảm bảo tăng trưởng theo đúng mục tiêu.

Trước đó, ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông cáo báo chí cho biết đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với tổ chức tín dụng có đề nghị và gửi thông báo cho các đơn vị này. Việc điều chỉnh room tín dụng dựa trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. 

Ngân hàng Nhà nước cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. 

Dù thông báo của Ngân hàng Nhà nước không đưa ra danh sách cụ thể các ngân hàng thương mại được nới room lần này, cũng như hạn mức nới cụ thể với mỗi ngân hàng, tuy nhiên, một số cái tên triển vọng được nới room lần này, ngoài Sacombank, còn có: Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)… Hạn mức tăng trưởng tín dụng bổ sung cho các ngân hàng dao động từ 0,7-4%.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 26/8, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay ở mức 14%. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ./.

>>>Tín dụng eo hẹp, giải pháp vốn nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục