Rủi ro ngày càng lớn đối với ngành vận tải biển toàn cầu

05:30' - 07/03/2024
BNEWS Do xung đột leo thang tại Biển Đỏ, thương mại toàn cầu dự kiến sẽ không đạt được mức dự báo tăng trưởng trong năm 2024 vì những rủi ro suy giảm vẫn tiếp tục hiện hữu.

 

Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vừa đăng bài viết dẫn đánh giá của giới phân tích cho rằng, vụ đánh chìm tàu chở hàng rời Rubymar thuộc sở hữu của Anh, sau cuộc tấn công bằng tên lửa của lực lượng Houthi ở ngoài khơi Yemen trên Biển Đỏ, có nguy làm đình trệ sự phục hồi của ngành vận tải biển toàn cầu và làm gia tăng rủi ro an ninh vốn đang ngày càng tồi tệ tại eo biển Bab Al Mandeb.

Các nhà phân tích nhận định vụ việc trên, tàu thương mại đầu tiên bị đánh chìm kể từ khi lực lượng Houthi bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các tàu di chuyển qua Biển Đỏ hồi giữa tháng 11/2023, sẽ buộc các công ty vận tải biển tiếp tục lựa chọn tuyến đường biển dài và tốn kém quanh Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi.

Chuyên gia Peter Sand, nhà phân tích trưởng của nền tảng vận tải hàng hóa Xeneta, nhận xét sự cố này sẽ khiến các hãng vận tải hàng hóa bằng đường biển ngày càng lo ngại về vấn đề an ninh, do đó làn sóng chuyển hướng khỏi Biển Đỏ để sử dụng tuyến đường biển quanh Mũi Hảo Vọng ở châu Phi sẽ diễn ra trong tương lai gần. Chuyên gia này nói thêm: "Vụ việc cho thấy mối nguy hiểm đang hiện hữu đối với các tàu đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden. Và đó là lý do tại sao phần lớn các tàu vận chuyển container tiếp tục tránh khu vực này".

Bab Al Mandeb là eo biển quan trọng nối Vịnh Aden với Biển Đỏ. Tuy nhiên, tuyến đường vòng dài và tốn kém hơn quanh Mũi Hảo Vọng đã làm gia tăng giá vận chuyển hàng hóa, trong bối cảnh hoạt động vận chuyển chậm trễ có thể dẫn đến giá tiêu dùng cao hơn đối với một số hàng hóa.

 
Dữ liệu về giá cước vận chuyển hàng hóa bằng đường biển mới nhất của Xeneta cho thấy mặc dù giá cước giảm nhẹ trong những tuần gần đây nhưng vẫn tăng mạnh so với giữa tháng 12/2023 khi căng thẳng ở Biển Đỏ bắt đầu. Theo Xeneta, giá cước vận chuyển trên các tuyến từ Viễn Đông đến Địa Trung Hải ngày 3/3 đã tăng 164% so với ngày 14/12/2023, lên 4.954 USD/container loại 40 feet (12,19 m). Mức giá cước này áp dụng cho các tàu container, chứ không phải tàu hàng rời như Rubymar vừa bị chìm ở Biển Đỏ mới đây. Cước phí vận chuyển tương tự trên các tuyến từ Viễn Đông đến Bắc Âu cũng tăng 164% vào ngày 3/3 lên 4.034 USD/container loại 40 feet, so với mức 1.526 USD ngày 14/12/2023.

Chuyên gia Junaid Ansari, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chiến lược đầu tư tại Kamco Invest, cho rằng: "Vụ đánh chìm tàu chở hàng rời Rubymar ở Biển Đỏ càng làm trì hoãn bất kỳ biện pháp hỗ trợ ngắn hạn nào đối với hàng hóa được vận chuyển trên các tuyến đường thay thế. Điều này có thể tác động đến lạm phát toàn cầu vì phần lớn các hãng vận chuyển sẽ tránh tuyến đường ngắn hơn qua Biển Đỏ, dẫn đến chi phí và nhu cầu dầu thô cao hơn trong lĩnh vực vận tải biển, qua đó có nguy cơ đẩy giá dầu thô và giá năng lượng lên cao".

Trong báo cáo thị trường công bố ngày 4/3, nền tảng vận chuyển Container XChange cho biết giá container trong tháng 2/2024 dù vẫn ổn định ở Bắc Mỹ, nhưng đã lần lượt ghi nhận các mức tăng 10%, 7% và 2,5% ở Đông Bắc Á, châu Đại Dương và Đông Nam Á. Tuy nhiên, giá container lại giảm khoảng 5-7% ở châu Âu, 5% ở Nhật Bản và Hàn Quốc, và 2,4% ở Trung Đông và tiểu lục địa Ấn Độ.

Các chủ hàng và nhà khai thác lớn đã tạm ngừng hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ, tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại toàn cầu, sau khi lực lượng Houthi ở Yemen bắt đầu các cuộc tấn công nhằm vào tàu thương mại di chuyển qua khu vực này từ giữa tháng 11/2023. Khoảng 12% khối lượng thương mại dầu mỏ và 8% lượng khí tự nhiên hóa lỏng được vận chuyển bằng đường biển của thế giới đi qua eo biển Bab Al Mandeb.

Lực lượng Houthi ở Yemen bắt đầu tấn công các tàu thương mại để bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine trong cuộc chiến Israel-Gaza. Lực lượng này hiện vẫn chưa có dấu hiệu ngừng các cuộc tấn công, mặc dù Mỹ và các đồng minh phương Tây đang cố gắng ngăn chặn bằng các cuộc không kích nhằm vào nhiều mục tiêu của lực lượng này. Căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ đã làm gián đoạn nghiêm trọng các tuyến thương mại hàng hải, dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài hơn và ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty vận tải biển, do đó họ đã phải tăng giá cước để đối phó với tình trạng thua lỗ.

Theo đánh giá của hãng tư vấn hàng hải Drewry, sự kiện tàu Rubymar bị chìm ở Biển Đỏ sẽ buộc các tàu container tiếp tục lựa chọn các tuyến đường thay thế. Ông Simon Heaney, Giám đốc cấp cao về nghiên cứu container tại Drewry (có trụ sở tại London, Anh) nhận định: "Vụ việc một lần nữa nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng Biển Đỏ không được cải thiện và quan điểm của chúng tôi là phần lớn các tàu container sẽ tiếp tục tránh khu vực này trong tương lai gần".

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 13 được tổ chức vào tuần trước ở Abu Dhabi (UAE), các bộ trưởng thương mại toàn cầu cũng như nhiều đại biểu đã nhấn mạnh mối lo ngại về tác động đối với thương mại quốc tế từ các cuộc tấn công nhằm vào hoạt động vận tải biển ở Biển Đỏ, nơi kết nối giữa châu Âu với châu Á.

Tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế UAE Abdulla bin Touq nói rằng những thách thức do xung đột ở Biển Đỏ đã nêu bật sự cần thiết phải thiết lập các tuyến thương mại mới cũng như tăng cường đầu tư để thiết kế lại hoạt động kho vận (logistics) và đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định.

Thương mại toàn cầu dự kiến sẽ không đạt được mức dự báo tăng trưởng trong năm 2024 vì những rủi ro suy giảm vẫn tiếp tục hiện hữu. Trước đó, ngày 5/10/2023, WTO dự báo thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2024 - một sự cải thiện mạnh mẽ so với mức tăng yếu ớt 0,8% trong năm 2023. Tuy nhiên, dự báo của WTO được đưa ra 2 ngày trước khi cuộc xung đột Israel-Gaza bắt đầu nổ ra hồi tháng 10 năm ngoái.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục