Rủi ro toàn cầu “phủ bóng” triển vọng thương mại của Trung Quốc

21:17' - 13/07/2022
BNEWS Mặc dù xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2022 đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong năm tháng, song hoạt động nhập khẩu chậm lại do các đợt bùng phát dịch mới và bối cảnh toàn cầu kém lạc quan.

Theo giới quan sát, dù xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2022 đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong năm tháng, song hoạt động nhập khẩu chậm lại do các đợt bùng phát dịch mới và bối cảnh toàn cầu kém lạc quan cho thấy con đường gập ghềnh phía trước của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) cho thấy lượng hàng hóa xuất đi trong tháng Sáu đã tăng 17,9% so với cùng kỳ một năm trước đó. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 1/2022, cao hơn so với mức tăng 16,9% trong tháng Năm và vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích là 12%.

Nhà kinh tế Heron Lim của công ty nghiên cứu thị trường Moody's Analytics nói rằng việc trung tâm kinh doanh Thượng Hải mở cửa trở lại vào tháng Sáu (sau khi bị phong tỏa trong hai tháng để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới) đã giúp cải thiện tình trạng tồn đọng hàng hóa.

Tính chung trong nửa đầu năm nay, hoạt động ngoại thương hàng hóa của Trung Quốc đã tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 19.800 tỷ NDT (khoảng 2.940 tỷ USD). Xuất khẩu vào cùng giai đoạn tăng 13,2% lên 11.140 tỷ NDT, còn nhập khẩu tăng 4,8% lên 8.660 tỷ NDT.

Do tình hình phòng chống dịch COVID-19 được cải thiện và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng có hiệu lực, các doanh nghiệp ngoại thương của Trung Quốc đã bắt đầu trở lại hoạt động và đi vào sản xuất từ tháng 5/2022.

Ông Li Kuiwen, người phát ngôn của GAC, cho biết sự phục hồi nhanh chóng trong hoạt động xuất nhập khẩu ở vùng Đồng bằng sông Dương Tử đã dẫn đến sự phục hồi đáng kể trong tăng trưởng chung của hoạt động ngoại thương ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhập khẩu chậm lại đã đặt ra câu hỏi về sức mạnh của sự phục hồi này.

Nhập khẩu tháng Sáu chỉ tăng 1% so với cùng kỳ một năm trước đó, chậm lại so với mức tăng 4,1% của tháng Năm và thấp hơn nhiều dự báo tăng 3,9% của giới phân tích. Sự yếu đi này chủ yếu do các lệnh phong tỏa phòng dịch trước đó và tiêu dùng nội địa giảm.

Hầu hết tất cả các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc đều giảm hơn đáng kể. Nhập khẩu dầu thô hàng ngày trong tháng Sáu đã giảm 11% so với cùng kỳ một năm trước đó xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2018, trong khi nhập khẩu than giảm 33%.

Ông Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại công ty tư vấn tài chính Capital Economics, lưu ý rằng khối lượng nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm vào tháng Sáu.

Điều này cho thấy sự yếu kém của lĩnh vực xây dựng vẫn còn kéo dài, trong khi đây thường là một động lực tăng trưởng đáng kể của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chuyên gia này cũng nói thêm rằng nhu cầu toàn cầu hạ nhiệt cũng có thể sớm làm giảm bớt sự bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc trong mùa dịch.

Hiện Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất vẫn giữ vững chiến lược “Zero COVID” với các đợt đóng cửa nhanh chóng và cách ly lâu dài, qua đó ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh và kìm hãm sự phục hồi tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục