Rủi ro với thị trường chứng khoán tạm thời lắng dịu

15:50' - 29/12/2024
BNEWS Tuần giao dịch tới (từ 30/12/2024 - 3/1/2025) thị trường sẽ đón nhận những phiên giao dịch cuối cùng của năm cũ và bước vào năm mới.

Giới phân tích nhận định, những rủi ro gần đây đã tạm thời lắng dịu, nhưng thị trường vẫn thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh.

 

 

* Đà tăng giá chỉ diễn ra “cục bộ”

 

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (VNDirect), đúng như kỳ vọng, các chỉ số  chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến xu hướng phục hồi tích cực trong tuần qua khi những rủi ro gần đây tạm thời lắng dịu.

Cụ thể, đà tăng của chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) đã chững lại trong tuần qua giúp tỷ giá USD/VND liên ngân hàng “tạm thời hạ nhiệt” và giảm xuống dưới ngưỡng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Điều này tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước “bơm” trở lại lượng lớn thanh khoản (khoảng hơn 70.000 tỷ đồng) cho hệ thống ngân hàng trong phiên từ 23 - 26/12/2024, đảo ngược lại gần như hoàn toàn mức hút ròng gần 71.500 tỷ đồng trong tuần trước đó. Đây là diễn biến tích cực trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang “nỗ lực về đích tăng trưởng tín dụng trong những ngày cuối năm”.

Trước diễn biến đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã chứng kiến đà tăng giá ấn tượng và là động lực chính thúc đẩy xu hướng đi lên của các chỉ số chứng khoán. Đồng thời, nhóm cổ phiếu đầu tư công cũng “dậy sóng” khi nhà đầu tư kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công trong năm tới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, nhìn chung đà tăng giá chỉ diễn ra “cục bộ” ở một số nhóm ngành và mức độ lan tỏa chưa cao khi dòng tiền trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu nhập cuộc một cách mạnh mẽ.

“Bước sang tuần giao dịch chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới, tôi cho rằng thị trường chứng khoán trong nước có thể duy trì xu hướng vận động đi lên và chỉ số VN-Iindex sẽ kiểm định vùng kháng cự mạnh 1.280-1.300 điểm”, ông Hinh nhận định.

Theo ông Hinh, hiện tại, xác suất thị trường sớm vượt qua được vùng kháng cự mạnh này không cao, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn “chực chờ” và thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh.

Ông Phan Tấn Nhật - Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, sau 2 tuần chịu áp lực điều chỉnh từ vùng giá 1.280 điểm về 1.254 điểm, VN-Index đã có tuần giao dịch khá tích cực dưới ảnh hưởng của các cổ phiếu ngân hàng.

Kết thúc tuần giao dịch (từ 23 – 27/12), VN-Index tăng 1,4% lên 1.275,14 điểm, quay trở lại vùng giá 1.280 điểm, cao nhất đầu tháng 12/2024. VN-Index duy trì trên vùng giá trung bình 200 phiên cũng như giá cao nhất năm 2023.

Thanh khoản trong tuần tăng tốt với khối lượng giao dịch tăng 21,2% so với tuần trước, gia tăng mạnh ở nhóm ngân hàng với nhiều cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử như CTG, STB...

Thị trường phân hóa mạnh với sắc xanh và đỏ đan xen. Các cổ phiếu biến động hẹp trong giai đoạn cuối năm 2024. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, đầu tư công, nguyên vật liệu - khoáng sản tăng khá mạnh, trong khi đó, nhóm công nghệ - viễn thông giảm mạnh. Khối ngoại mua ròng nhẹ trên HOSE với giá trị 266,3 tỷ đồng, tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Ông Phan Tấn Nhật cho rằng, xu hướng ngắn hạn VN-Index tăng trưởng vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.265 điểm. VN-Index đang gặp vùng kháng cự gần nhất 1.280 điểm và có thể chịu áp lực rung lắc điều chỉnh, tích lũy trước khi có thể vượt qua. Kháng cự rất mạnh tiếp theo là vùng giá 1.300 điểm. Đây vẫn là kháng cự rất mạnh, vùng đỉnh các tháng 3-7/2024 và 9-10/2024 từ đầu năm đến nay. Xu hướng trung hạn VN-Index duy trì trong kênh tích lũy rộng tính từ đầu năm đến nay trong vùng 1.200 - 1.300 điểm, với vùng giá cân bằng quanh 1.250 điểm. Mở ra kỳ vọng sẽ vượt lên xu hướng tích lũy kéo dài này, trong năm 2025.

Trong ngắn hạn, thị trường phân hóa tốt phụ thuộc nhiều vào chất lượng nội tại của doanh nghiệp. Áp lực bán ngắn hạn, điều chỉnh tích lũy ở nhiều mã tương đối bình thường với áp lực giảm dư nợ ký quỹ, quỹ đầu tư chốt giá trị tài sản ròng (NAV) năm 2024 trong thời điểm cuối năm.

“Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ vượt lên xu hướng tích lũy kéo dài từ đầu năm đến nay, dựa trên kỳ vọng vào tăng trưởng kết quả kinh doanh quý IV/2024 và triển vọng năm 2025 tích cực”, ông Phan Tấn Nhật nêu quan điểm.

Nhận định về diễn biến thị trường tuần qua, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho biết, sau 2 tuần giao dịch ảm đạm với sự suy yếu của thanh khoản và sự trồi sụt của thị trường niềm tin của nhà đầu tư có phần lung lay. Có thời điểm thị trường rơi xuống sát mức 1.250 điểm trong phiên giao dịch ngày 24/12. Nhưng cũng sau đó một phiên, thị trường phát tín hiệu bùng nổ hâm nóng thị trường trong những phiên giao dịch cuối năm.

Tuần qua cũng chứng kiến cuộc “di cư” của dòng vốn trên thị trường. Nhóm cổ phiếu phiếu penny (cổ phiếu của công ty có vốn hóa nhỏ) có dấu hiệu chốt lời hàng loạt. Trong khi đó nhóm cổ phiếu ngân hàng trở lại hút tiền và dẫn dắt thị trường tăng điểm.

Đà tăng có phần chững lại trong hai phiên giao dịch cuối tuần, thị trường phân hóa mạnh hơn song đây là bước “chuyển mình” cần thiết. Với việc có nhóm dẫn dắt đủ mạnh và sự trở lại của thanh khoản đà tăng được củng cố vững vàng hơn.

Tuần qua, thị trường được bao phủ bởi sắc xanh với 15/21 nhóm ngành tăng điểm. Dẫn dắt đà hồi phục của thị trường và tâm lý nhà đầu tư trong tuần qua là các nhóm ngành như: Nhựa tăng 5,3%; bảo hiểm tăng 3,89%; ngân hàng tăng 2,66%; xây dựng tăng 2,37%...

Ở chiều ngược lại, áp lực điều chỉnh vẫn phủ bóng lên một số nhóm ngành như: Công nghệ viễn thông giảm 3,46%; hàng tiêu dùng giảm 1,83%; dầu khí giảm 0,35%...

Theo CSI, VN-Index có tuần tăng điểm với phiên bùng nổ ngày giữa tuần (25/12/2024), củng cố và xác nhận xu hướng tăng điểm đã hình thành trong tuần đầu tiên của tháng 12. Dù chưa kết thúc tháng 12, đây một tín hiệu cho thấy đà tăng của VN-Index sẽ tiếp diễn trong các tuần tới.

Mẫu hình tăng giá tiếp diễn “Rising Three Methods” hình thành trên biểu tuần là dấu hiệu cho thấy VN-Index có thể tiếp tục xu hướng tăng giá, để hướng tới mốc kháng cự 1.316 – 1.327 điểm trong các tuần tới.

“Tuy vậy không tránh khỏi nhịp rung lắc sẽ xuất hiện trong các phiên tới và ngưỡng hỗ trợ quanh 1.267 điểm là mốc mà chúng ta có thể gia tăng thêm tỷ trọng cũng như mở thêm vị thế mua mới”, chuyên gia CSI khuyến nghị.

Thực tế cho thấy, tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới cũng diễn biến tích cực.

*Chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm trong chiều 27/12

Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm trong phiên giao dịch chiều 27/12 với cổ phiếu Nhật Bản tăng do đồng yen yếu.

Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 1,8% lên 40.281,16 điểm. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,1% lên 20.116,93 điểm và chỉ số Shanghai Composite của sàn giao dịch Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,1% lên 3.400,14 điểm. Thị trường chứng khoán Mumbai, Malaysia, Singapore, Sydney và Bangkok cũng đều tăng điểm, trong khi Manila giảm.

Đồng yen yếu gần đây đã có lợi cho các nhà xuất khẩu. Đồng yen đã chạm mức 158,08 yen đổi một USD vào tối thứ Năm (26/12) - mức thấp nhất trong gần sáu tháng - trước khi phục hồi nhẹ vào thứ Sáu (27/12).

Những số liệu tích cực khác từ Nhật Bản cho thấy sản lượng công nghiệp giảm ít hơn dự kiến vào tháng 11/2024, trong khi doanh số bán lẻ cao hơn dự kiến vào tháng trước đó.

Chuyên gia phân tích Kosuke Oka tại Monex Securities cho biết, các nhà đầu tư đang theo dõi liệu chỉ số Nikkei có thể tiếp tục tăng và phục hồi lên mức 40.000 điểm vào cuối năm hay không.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda vừa cho biết, lãi suất sẽ được điều chỉnh nếu tình hình kinh tế và giá cả tiếp tục được cải thiện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục