Sản phẩm của ngành hóa dược Việt Nam còn "khiêm tốn"

15:27' - 22/01/2016
BNEWS Các sản phẩm về hóa dược của Việt Nam được thị trường chấp nhận còn rất ít, chưa thu hút được sự tham gia nghiên cứu và hợp tác của doanh nghiệp trong việc phát triển loại sản phẩm này.
Các sản phẩm hóa dược của Việt Nam chủ yếu vẫn là dòng sản phẩm thực phẩm chức năng. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, các sản phẩm của ngành hóa dược đưa ra thị trường của doanh nghiệp chủ yếu là thực phẩm chức năng. Đây hầu hết là các sản phẩm có chi phí thấp, hiệu quả không cao nhưng an toàn hơn so với việc sản xuất các nguyên liệu hóa dược đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, công nghệ cao, thiết bị tiên tiến.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất cho hay do tại Việt Nam chưa có nhiều các phòng nghiên cứu chuyên ngành, nguồn hỗ trợ hạn chế và nhân lực chưa được chú trọng đúng mức…

Ngoài ra, theo ông Thanh, tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu còn thấp, hay một số thủ tục, quy định chưa thông thoáng, gây khó cho việc triển khai nghiên cứu, và khó khăn trong tìm đối tác chuyển giao công nghệ… 

Tại hội thảo Sơ kết hoạt động của Chương trình hóa dược giai đoạn 2008-2015 và định hướng hoạt động của Chương trình trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã yêu cầu cần phải rà soát các quy trình, thủ tục để từ đó có giải pháp đơn giản hóa, giúp doanh nghiệp thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia nghiên cứu, phát triển hóa dược, sản phẩm của doanh nghiệp đưa ra thị trường nhanh hơn và được bảo vệ tốt hơn.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, sau nhiều năm triển khai Chương trình hóa dược, các sản phẩm về hóa dược được thị trường chấp nhận còn rất ít, trong khi đó lại không thu hút được sự tham gia của các trường nghiên cứu, doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm hóa dược.

Hội nghị sơ kết đánh giá 07 năm thực hiện các mục tiêu của chương trình hóa dược. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS

Sản phẩm sau khi nghiên cứu muốn ra thị trường nhanh phải qua doanh nghiệp. Không phải các doanh nghiệp không biết đến Chương trình này, mà vì sự hỗ trợ cho doanh nghiệp còn quá ít so với mong đợi, chưa kể các thủ tục, quy trình còn phức tạp.

Thứ trưởng cũng cho biết, ngay trong thời gian tới, Ban chỉ đạo cũng sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát việc hoàn thành phòng thí nghiệm quốc gia về hóa dược, từ đó tìm giải pháp khắc phục khó khăn và đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó là tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi thêm kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật về phát triển hóa dược; đề xuất xây dựng Nghị định về hỗ trợ phát triển ch ngành hóa dược, để có cơ sở pháp lý cao hơn cho ngành…

Báo cáo tại buổi sơ kết, ông Thanh nhấn mạnh, trong 7 năm thực hiện Chương trình Hóa dược, với số kinh phí gần 200 tỷ đồng, Chương trình đã thực hiện được khoảng 67 đề tài và 20 dự án, tập trung vào nghiên cứu, sản xuất thuốc kháng sinh, tá dược, thực phẩm chức năng…

Nhiều ý kiến tham gia đóng góp tại buổi sơ kết cho rằng, cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm nghiên cứu chuyên ngành và phải có chính sách nhất quán trong xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến dược liệu. Một điểm khác quan trọng không kém là cần có các quy định thông thoáng hơn, hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển hóa dược…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục