Sản phẩm đặc trưng vùng miền hướng tới "xuất ngoại"

08:55' - 16/11/2024
BNEWS Các chủ thể cần phát triển, hoàn thiện sản phẩm tạo điều kiện đưa sản phẩm đặc trung vùng miền vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ.

Để phát triển sản phẩm OCOP bền vững, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm và chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối.

 

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiếp đầu tư thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông.... Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa công bố, hiện cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó, 72,1% sản phẩm đạt 3 sao, 25,8% sản phẩm đạt 4 sao, 2,1% sản phẩm đạt 5 sao và tiềm năng 5 sao. Số chủ thể tham gia là 7.846 chủ thể; trong đó, có 32,8% là hợp tác xã, 22,7% là doanh nghiệp nhỏ, 38,6% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Đặc biệt, có hơn 2.420 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, từng bước chuyển đổi hoạt động, thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm, gắn với việc xây dựng sản phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn, bao bì, nhãn mác và thương hiệu của hợp tác xã, thay vì chỉ làm các dịch vụ đầu vào cho các thành viên.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết: Chương trình OCOP đến thời điểm này đã góp phần tạo bình đẳng trong kinh tế và sản xuất, giúp phụ nữ nông thôn có được sinh kế ổn định; làm chuyển biến mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Là một tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn, với mục tiêu phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, ngay từ khi triển khai chương trình, tỉnh Hà Giang đã xác định phải đặc biệt coi trọng yếu tố chất lượng sản phẩm, gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế và cả nét văn hóa phong tục tập quán sản xuất của người dân các địa phương.

Hà Giang hiện có hơn 7.000 ha diện tích chè Shan Tuyết Cổ Thụ núi cao trên 600 m; riêng huyện Hoàng Su Phì có 4,6 nghìn ha; trong đó, có 141 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu, sản lượng toàn huyện trung bình 13 nghìn tấn búp tươi/năm.

Xác định tiềm năng sản phẩm đặc trưng có thế mạnh phát triển hàng hóa giá trị cao, Cấp ủy chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã ban hành nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đột phá cây chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì; trong đó, nghị quyết đề ra tập trung quan tâm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất chế biến chè Shan Tuyết nâng cao giá trị theo hướng hữu cơ.

Từ đó, trong nhiệm kỳ qua huyện đã duy trì, thu hút thêm tổng số 57 cơ sở sản xuất chế biến chè; trong đó, có 3 công ty, 10 hợp tác xã và 45 hộ gia đình. Qua đánh giá đến năm 2025 huyện hoàn thành thực hiện chỉ tiêu nghị quyết chuyên đề đột phá cây chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Mới đây, hai sản phẩm Trà xanh 100g và Hồng trà 100g của Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đề nghị công nhận lại sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia.

Hợp tác xã này đã có 9 dòng: Trà xanh, Hồng trà, Trà đen, Hoàng trà, Bạch trà, Phổ Nhĩ, Bạch Mẫu đơn, Shan tiên, Móng rồng và 25 sản phẩm phân khúc, mẫu mã khác nhau được công nhận sản phẩm OCOP từ năm 2021. Các sản phẩm đã được chế biến sâu, nâng cao giá trị tập trung tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Còn tại Hà Nội, phát huy hiệu quả kinh tế đối với sản phẩm OCOP, đặc biệt là đối với những sản phẩm đạt từ 4 sao, 5 sao, Hà Nội xác định trọng tâm cốt lõi trong phát triển sản phẩm OCOP của Thủ đô trong năm nay và những năm tiếp theo. Đó là, tiếp tục triển khai Chương trình OCOP đến tận cấp xã; rà soát, hỗ trợ tư vấn cho chủ thể nâng cấp chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu tem nhãn bao bì, nâng hạng sao, xây dựng hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP 5 sao.

Cùng đó, ưu tiên phát triển sản phẩm chất lượng cao; chế biến sâu sản phẩm có tiềm năng lợi thế về lịch sử văn hóa, sản phẩm từ làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với dịch vụ du lịch, hướng tới xuất khẩu sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho hay, thực hiện tốt Chương trình OCOP không chỉ giúp phát triển kinh tế nông thôn, giúp tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn mà còn góp phần tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới hiệu quả bền vững hơn.

Hiện thành phố Hà Nội đã chứng nhận được 2.778 sản phẩm OCOP; trong đó, có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.486 sản phẩm 4 sao, 1.274 sản phẩm 3 sao. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ có khoảng 3.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, các chủ thể OCOP đã ngày càng chú trọng hoàn thiện chất lượng cũng như đa dạng hóa mẫu mã của sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn có một số vấn đề mà các chủ thể cần chú ý như: Các sản phẩm được thẩm định, đánh giá vẫn chưa thể hiện được rõ nét đặc sắc của các sản phẩm OCOP là gắn liền với đặc trưng của địa phương, các tiêu chí về cộng đồng, tính đại diện cho cộng đồng, lợi ích đem lại cho cộng đồng… tương đối yếu so với mục đích của Chương trình OCOP. Các chủ thể OCOP cần chú ý hơn đến vùng nguyên liệu, bởi các sản phẩm đều là đặc sản địa phương, nên cần bảo đảm tiêu chí quốc gia, tiêu chí xuất khẩu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục