Sa Pa "cháy phòng" dịp Tết Nguyên đán

12:56' - 07/02/2024
BNEWS Trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các khách sạn, điểm lưu trú tại Sa Pa gần như kín phòng với tỷ lệ đặt vào những ngày cao điểm đạt khoảng 97% công suất.

Theo Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa, Lào Cai, trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các khách sạn, điểm lưu trú tại Sa Pa gần như kín phòng với tỷ lệ đặt vào những ngày cao điểm đạt khoảng 97% công suất. Dịp này, thị xã Sa Pa tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, chương trình du lịch đặc sắc phục vụ du khách và chuẩn bị các điều kiện lưu trú tốt nhất để đón chào du khách đến với Khu du lịch Quốc gia.

Cụ thể, tỷ lệ đặt phòng vào ngày mùng 2 Tết tại Sa Pa đạt khoảng 55%; từ ngày mùng 3 - 5 Tết đạt 97%, tập trung chủ yếu ở phân khu trung-cao cấp tại khu vực trung tâm. Riêng các điểm du lịch cộng đồng, công suất bình quân đạt 45%, tập trung đông nhất là xã Tả Van và Mường Hoa. Các dịch vụ nhà hàng, cà phê, điểm tham quan sẽ bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày mùng 2 Tết Nguyên đán đảm bảo điều kiện phục vụ khách du lịch.

Ước tính, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2024, Sa Pa sẽ đón trên 100 nghìn lượt khách, tăng hơn 11 nghìn lượt so với cùng kỳ năm 2023. Cao điểm là ngày 12 và 13/2 (tức ngày mùng 3 và mùng 4 Tết), Sa Pa sẽ đón khoảng 65.000 lượt khách. Đáng chú ý, người dân chọn tour nhóm nhỏ và đoàn riêng, thay vì tham gia các tour ghép đông như những dịp trước đây. Địa điểm được nhóm lựa chọn cũng là nơi vắng người hoặc nghỉ dưỡng biệt lập, tránh nơi tập trung đông người.

Để thu hút và tạo sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, sáng 7/2, UBND thị xã Sa Pa tổ chức Khai trương “Không gian văn hóa Sa Pa tinh hoa hội tụ”. Đây là một tổ hợp xây dựng, trang trí kiến trúc độc đáo với việc sắp đặt tiểu cảnh mô phỏng những danh thắng kỳ vĩ của Sa Pa, như ruộng bậc thang Mường Hoa, đỉnh Fansipan… gắn với trưng bày các loài hoa bản địa của Sa Pa như đào phai, đào cổ, đỗ quyên Hoàng Liên, nhất chi mai…

Bên cạnh đó là các khu trưng bày mô phỏng hoạt động làng nghề truyền thống của 5 dân tộc thiểu số Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó với nghề truyền thống đan lát, hoa văn thổ cẩm, làm quả còn, trống,….

Đặc biệt, tại trung tâm của không gian “Sa Pa - tinh hoa hội tụ” là hình tượng linh vật rồng - biểu tượng của năm Giáp Thìn làm bằng cây và hoa của chính mảnh đất Sa Pa hùng vỹ. Phụ cận là chậu lan Trần Mộng Sa Pa lớn nhất từ trước đến nay với 2.024 bông hoa khoe sắc.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Cao Bá Quý, công trình được kỳ vọng tạo một không gian văn hóa đặc sắc, nơi hội tụ và kết nối, giữ gìn, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế Sa Pa theo hướng bền vững.

Sa Pa vào mùa Xuân được thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc thiên nhiên rực rỡ và các lễ hội Xuân giàu bản sắc văn hóa nên nơi đây luôn là một địa điểm du lịch được yêu thích trong dịp đầu năm mới. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tại trung tâm thị xã Sa Pa sẽ tổ chức các trò chơi dân gian từ ngày 12-14/2 (tức ngày mùng 3-5 Tết) ở khu vực Sân Quần.

Địa phương cũng tổ chức Ngày hội văn hóa dân gian tại các bản làng như Lễ hội Xòe của dân tộc Tày tại xã Mường Bo, vào ngày 15/2 (tức mùng 6 Tết); Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông tại xã Hoàng Liên vào ngày 17/2 (tức mùng 8 Tết): Lễ hội Pút Tồng và Cấp Sắc của dân tộc Dao xã Tả Phìn vào ngày 18/2 (tức ngày mùng 9 Tết); Lễ hội Xuống đồng của dân tộc Giáy xã Tả Van vào ngày 22/2 (tức ngày 13 Tháng Giêng)...

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, Sa Pa đón 88.815 lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế khoảng 2.316 lượt. Tổng doanh thu ước đạt trên 305 tỷ đồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục