Sản phẩm cá ngừ được xuất khẩu sang 80 thị trường

17:25' - 03/04/2024
BNEWS Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong 3 tháng đầu năm có dấu hiệu tăng trưởng tốt đã mang lại hi vọng khởi sắc cho toàn ngành thuỷ sản, trong đó có sản phẩm cá ngừ chế biến.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm mặt hàng cá ngừ đóng hộp lại tăng mạnh 53%, nâng tỷ trọng xuất khẩu cá ngừ đóng hộp lên trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, ở mức gần tương đương so với các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh, mang về nguồn kim ngạch hơn 196 triệu USD, tăng 21% so với cùng kì năm 2023.

Bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam chia sẻ, năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu cá ngừ ngay từ đầu năm. Trong quý I/2024, các sản phẩm cá ngừ đã xuất được sang hơn 80 thị trường, trong khi năm ngoái là 70 thị trường.

Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này sau khi tăng mạnh trong tháng 1 đã sụt giảm nhẹ 8% trong tháng 2. Tuy nhiên, đến tháng 3, nhờ hội chợ thuỷ sản Bắc Mỹ mà sản phẩm cá ngừ đã có bước chuyển biến tốt, trong khi xuất khẩu các nhóm sản phẩm cá ngừ sang thị trường Mỹ giảm thì sản phẩm cá ngừ đóng hộp tiếp tục tăng trưởng tốt.
 
Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ sang châu Âu cũng sụt giảm nhẹ tùy vào từng quốc gia. Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu cá ngừ sang Đức và Hà Lan giảm, thì xuất khẩu cá ngừ Italy hay Ba Lan lại đang tăng mạnh so với cùng kỳ.

Với các nước trong khối thị trường tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lại đang tiếp tục tăng trưởng. Tại đây, xuất khẩu cá ngừ sang Canada và Chile đang tăng phi mã trong quý I, lần lượt là 146% và 116%.

Theo đó, Canada hiện đang nhập khẩu chủ yếu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh và cá ngừ đóng hộp từ Việt Nam. So với cùng kỳ, xuất khẩu cả 2 nhóm sản phẩm này đều tăng, lần lượt là 150% và 25%.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), Việt Nam là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 3 cho Canada trong năm 2023, sau Thái Lan và Italy. Năm qua, nhập khẩu cá ngừ của Canada từ các nguồn cung chính phần lớn đều giảm.

Nguyên nhân là do trong những năm qua, người tiêu dùng Canada giảm tiêu dùng thủy sản, trong đó có cá ngừ, chuyển từ các sản phẩm hải sản sang thịt bò, thịt gà và các mặt hàng protein khác khi kinh tế gặp khó khăn. Người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng các nguồn protein có giá cả thấp hơn so với thủy sản.

Tuy nhiên, dự kiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Canada sẽ có cơ hội phục hồi bởi nhu cầu tiêu thụ thủy sản của nước này được dự báo sẽ tăng trong vòng 5 năm tới, đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản cho biết.

Tại châu Âu, Đào Nha là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 6 trong khối EU, đạt hơn 220.000 USD, gấp 2 lần so với cùng kì 2023. Mặc dù là con số nhỏ nhưng cũng là sự khởi sắc của sản phẩm cá ngừ Việt Nam sang thị trường này. Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đang được hưởng ưu đãi về thuế quan theo thỏa thuận trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA), nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại đến từ Trung Quốc hay Indonesia, những nước đang ko được hưởng ưu đãi. Cũng có rất ít doanh nghiệp cá ngừ của Việt Nam tiếp cận được thị trường Bồ Đào Nha. Trong số các doanh nghiệp, Dragon Waves là doanh nghiệp dẫn đầu về nguồn cung cá ngừ Việt Nam cho thị trường này.

Tuy nhiên, dù khởi sắc, nhưng sản phẩm cá ngừ Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi thẻ vàng IUU, khiến cho truy xuất nguồn gốc thuỷ sản xuất khẩu bị đình trệ, các doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều để có nguồn nguyên liệu cá ngừ cả trong nước và nhập khẩu minh bạch, bà Nguyễn Hà thông tin thêm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục