Sản phẩm OCOP 4 sao có thị trường tiêu thụ ở nước ngoài

14:20' - 11/02/2024
BNEWS An Giang có 2 sản phẩm gạo 5 sao của Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn - Tập đoàn Lộc Trời và Sản phẩm đường Thốt Nốt của Công ty cổ phẩm Palmania đang có mặt ở thị trường nước ngoài.
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay An Giang đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 120 sản phẩm đạt chứng nhận "Sản phẩm OCOP" từ 3 sao trở lên của 83 chủ thể kinh tế gồm 7 hợp tác xã, 21 doanh nghiệp và 55 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh.

An Giang hiện có 14 sản phẩm OCOP 4 sao và 104 sản phẩm 3 sao. Hiện tỉnh có 2 sản phẩm OCOP 5 sao (cấp quốc gia) là gạo thơm đặc sản Thiên Vương và gạo ngon tiến vua Tiên Nữ của Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn (Tập đoàn Lộc Trời). Tỉnh cũng có 3 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao là các sản phẩm từ đường Thốt Nốt của Công ty cổ phần Palmania, huyện Tri Tôn. Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của An Giang là các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương….

 
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, sản phẩm OCOP An Giang đang từng bước khẳng định được giá trị, chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao trở lên đã được lựa chọn làm quà tặng trong nhiều hội nghị quan trọng của tỉnh và các chuyến công tác của lãnh đạo sở, ngành, tỉnh.

"Hiện sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của An Giang điều có ít nhất 5 đại lý trong và ngoài tỉnh tiêu thụ. Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP từ 4 sao trở lên của tỉnh đã có thị trường tiêu thụ ở nước ngoài như 2 sản phẩm gạo 5 sao của Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn - Tập đoàn Lộc Trời. Sản phẩm đường Thốt Nốt của Công ty cổ phẩm Palmania cũng đã có mặt tại thị trường tại các nước khó tính như: Hà Lan, Phần Lan, Anh, Nhật…", ông Lâm cho biết.

Chương trình OCOP tại An Giang bước đầu có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp "đa giá trị", gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Sản phẩm OCOP góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu, tạo việc làm cho nông dân nông thôn An Giang. Các sản phẩm đạt chứng nhận có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc… và hầu hết có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP đã tiếp cận được thị trường xuất khẩu.

Để sản phẩm OCOP An Giang vươn xa, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại và kết nối cung - cầu, giao thương cho các sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiềm năng, sản phẩm làng nghề gắn với giới thiệu du lịch. An Giang phấn đấu đến năm 2025, có thêm 170 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên; trong đó có 10 sản phẩm 5 sao. Tỉnh tập trung nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Thời gian tới, An Giang ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; phấn đấu có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; ít nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục