Sẵn sàng các giải pháp đảm bảo cung cấp điện: Bài 2

06:00' - 10/06/2017
BNEWS Do nhu cầu sử dụng điện giữa các vùng miền có sự khác nhau nên những năm qua hệ thống điện miền Trung, miền Nam thường xuyên phải nhận lượng công suất khá lớn truyền tải từ miền Bắc vào.
Đường dây 220 kV Hòa Khánh-Huế. Ảnh: TTXVN

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, do đặc điểm phát triển nguồn điện phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện địa lý, nguồn năng lượng sơ cấp nên các nguồn điện phân bố không đều trên phạm vi cả nước.

Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), để đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và đời sống nhân dân, ngay từ cuối năm 2016 và trong quý I/2017, Tập đoàn đã tập trung các công việc sửa chữa nguồn điện và lưới điện, đảm bảo từ quý II này hệ thống điện có độ sẵn sàng cao nhất.

“Đồng thời chúng tôi cũng đảm bảo khả năng truyền tải của các đường dây 500 kV, đặc biệt cung đoạn Hà Tĩnh - Đà Nẵng, Vũng Áng - Đà Nẵng để truyền tải điện năng từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam”, ông Ninh nói.

Lưới điện do Công ty Truyền tải điện 3 quản lý trải dọc theo các tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên, cao nguyên, đi qua nhiều địa hình ven biển, đồi núi cao, đầm lầy. Một số khu vực hạn hán, mưa lũ và các khu vực canh tác cây công nghiệp có nguy cơ xâm phạm hành lang an toàn lưới điện… nên tình hình cung cấp điện nói chung gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong mùa khô năm nay.

Phó Giám đốc Công ty, ông Hồ Công cho biết, với đặc thù địa hình như vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Công ty Truyền tải điện 3 là giám sát hành lang các tuyến đường dây.

Cụ thể như các tổ được giao khoán tuyến kiểm tra, xử lý dứt điểm các khoảng cột nhiều cỏ khô, chồi rừng… có nguy cơ cháy, các khoảng cột có nhiều cây cao, có tán lá vi phạm nguy cơ gây mất an toàn lưới điện; các khoảng cột người dân thường xuyên đốt rừng làm nương rẫy, các khoảng cột có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Đồng thời tạo ranh giới chống cháy an toàn cho đường dây ở các vùng có nguy cơ cháy cao.

Ngay từ đầu mùa khô, các đơn vị tập trung nhân lực phát quang chống cháy, tập kết cỏ khô, cành cây khô ra khỏi hành lang theo từng cụm nhỏ. Kết hợp trong ngày cắt điện để tổ chức đốt có kiểm soát, đảm bảo không cho cháy lan sang khu vực lân cận.

Phát quang hành lang tuyến. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, kết hợp kiểm tra định kỳ trên các tuyến đường dây, các đơn vị cũng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không đốt nương làm rẫy trong và ngoài gần hàng lang an toàn lưới điện cao áp. Ở các vùng trồng mía dưới đường dây, các đơn vị còn phối hợp với các hộ dân thu gom lá mía đến nơi an toàn.

Mặt khác, Công ty làm việc với chính quyền địa phương về việc tồn tại các công trình, nhà ở trong hàng lang an toàn lưới điện cao áp; phối hợp với lực lượng bảo vệ đường dây 500 kV, chính quyền địa phương và người dân sinh sống gần hành lang đường dây 220 kV, 500 kV nắm bắt thông tin về đốt rừng, nương rẫy, thi công gần hành lang an toàn để chủ động phối hợp xử lý.

Theo ông Hồ Công, để chủ động trong mùa khô, các đơn vị truyền tải điện tăng cường kiểm tra các đường dây đi qua những vùng nhiễm bẩn cao và khu vực có thời tiết thay đổi đột biến do độ ẩm tăng cao, sương muối, lập kế hoạch kiểm tra đêm, chụp corocam để phát hiện cách điện nhiễm bẩn, lập kế hoạch vệ sinh Hotline…, đảm bảo đường dây và máy biến áp vận hành an toàn.

Đối với khu vực các tỉnh miền Nam, mùa khô năm nay cũng phải đối mặt với nhiều máy biến áp 500 kV thường xuyên mang tải cao, từ 85-100% tại các trạm Cầu Bông, Tân Định và Sông Mây hoặc các máy biến áp 220/110 kV quá tải tại các trạm Nhà Bè, Tao Đàn, Phú Lâm, Thủ Đức, Long Bình, Tây Ninh, Mỹ Phước, Long An, Mỹ Tho 2, Trà Nóc…; các đường dây vận hành quá tải như Phú Lâm rẽ Vĩnh Lộc, Trảng Bàng-Củ Chi (2 mạch)…

Để khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Hóa, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 cho biết, Công ty đã kiến nghị các Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành các công trình chống quá tải như máy biến áp 500 kV, công suất 900 MVA thứ 2 tại trạm Cầu Bông; đóng điện trạm 220 kV Tân Cảng, 220 kV Quận 8; lắp máy biến áp 220 kV thứ 2 tại các trạm Tây Ninh, Uyên Hưng, Đức Hòa; cải tạo đường dây 220 kV Phú Lâm - Hóc Môn 1 mạch thành 2 mạch…

Bên cạnh đó, trước mùa khô, các truyền tải điện trong Công ty đã triển khai xử lý các điểm có nhiệt độ cao bất thường, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, tin cậy; trong đó, ưu tiên xử lý đường dây 500 kV Bắc -Nam, các đường dây được dự báo mang tải cao trong mùa khô.

Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa các hành vi đốt rừng, nương rẫy, thả diều, bắn pháo giấy tráng kim loại hoặc ném các vật thể gây nguy hiểm tới vận hành an toàn lưới điện, các đơn vị cũng thường xuyên tuần tra  dọc tuyến các đường dây trọng điểm nằm gần Quốc lộ và khu vực đông dân cư nhằm sớm phát hiện và kịp thời ngăn chặc các trường hợp vi phạm hành lang lưới điện.

Tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, tập trung theo dõi tình trạng vận hành các đường dây mang tải cao như đường dây 220 kV Thủ Đức - Cát Lái (mạch 1, 2), Củ Chi -Trảng Bảng (mạch 1, 2), Long Bình - Long Thành (mạch 1, 2), Phú Mỹ -Mỹ Xuân, Phú Mỹ - Long Thành (mạch 1, 2), các đường dây đấu nối với các nhà máy điện.

Hiện EVN đã xây dựng phương án vận hành hệ thống điện Quốc gia trong tình huống cực đoan nhất như nắng nóng kéo dài và diễn ra đồng thời trên cả 3 miền để sẵn sàng các biện pháp ứng phó kịp thời./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục