“Săn” voucher nghỉ Tết

09:59' - 15/02/2018
BNEWS Săn voucher du lịch với các gói khuyến mãi đang được người tiêu dùng thông thái lựa chọn như 1 cách để hưởng các gói dịch vụ "ngon, bổ, rẻ".
Voucher FLC Quy Nhơn và FLC Sầm Sơn (3 ngày 2 đêm) 2018. Ảnh: FLC
Với chi phí sinh hoạt đắt đỏ như hiện nay, việc đi du lịch đã mang đến không ít đắn đo cho người tiêu dùng. Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều địa điểm, công ty du lịch đã cùng phối hợp đưa ra những chương trình giảm giá khuyến mãi hấp dẫn bằng hình thức bán voucher nhằm thu hút người dùng, đặc biệt trong và sau dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Voucher, nguyên gốc tiếng Anh có nghĩa là chứng từ. Với người tiêu dùng, voucher được mặc định là phiếu mua hàng hoặc phiếu quà tặng. Voucher có thể là dạng phiếu điện tử hoặc phiếu giấy, có giá trị nhất định và dùng được trong giao dịch mua hàng hóa hoặc dịch vụ. Khi một nhà cung cấp phát hành ra các voucher, họ cam kết sẽ giảm giá cho khách hàng hoặc đổi cho khách hàng một lượng hàng hóa hoặc dịch vụ tương đương với giá trị thể hiện cụ thể trên phiếu mua hàng.

Tại Việt Nam, voucher đã xuất hiện vài năm trở lại đây và ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn bởi ưu điểm nổi bật là giá rẻ. Voucher du lịch là một trong những hình thức kích cầu du lịch bởi giá được rao rẻ hơn từ 30 đến 50% so với mức giá niêm yết của resort, khách sạn nên thu hút được du khách mua.

Voucher của hệ thống nghỉ dưỡng Vinpearl 5 sao, giá cả hiện rất hấp dẫn với mức thấp nhất cho gia đình 4 người là 4 triệu sẽ giúp du khách thư giãn với khu nghỉ dưỡng được xây dựng riêng biệt, gần gũi thiên nhiên, biển đảo và nhiều trải nghiệm sôi động, thú vị tại bể bơi cao cấp, hay tổ hợp giải trí ngay tại Vinpearl như sân goft, công viên… Đây quả là lựa chọn không tồi, với một không gian đẳng cấp.

Theo số liệu từ các công ty lữ hành, năm nay, lượng khách đi du lịch Tết Mậu Tuất tăng từ 20-30% so với tết năm ngoái. Công ty du lịch Vietravel dự kiến phục vụ 38.000 lượt khách, tăng 20-25% so với năm 2017, riêng từ mùng 1-3 Tết, có gần 20.000 khách khởi hành du xuân. Tại Công ty du lịch Transviet, tính chung, lượng khách đi du lịch Tết Nguyên đán tăng khoảng 25%. Tỷ lệ này cũng tương đương ở TST tourist.

Dù kì nghỉ Tết Nguyên đán năm nay không kéo dài nhưng gia đình chị Nguyễn Hồng Nhung ở Ba Đình, Hà Nội vẫn quyết định đi nghỉ từ mùng 2 Tết tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, khác với mọi năm, cách đây 3 tháng chị đã bắt đầu “săn” các voucher nghỉ Tết. “Để tiết kiệm và tránh được tình trạng không đặt được phòng”, chị Nhung cho biết.

Còn với bạn Đặng Đức Phong nhân viên văn phòng tại Hà Nội thì mã giảm giá đã giúp nhóm của bạn sẽ có một chuyến du lịch 3 đêm 4 ngày trong Tết này tại Nha Trang chỉ với chi phí hơn 3 triệu đồng mỗi người.

Chị Phương Thảo (Thanh Xuân – Hà Nội) cũng chia sẻ đã sử dụng voucher nghỉ dưỡng tại các resort rất nhiều lần và khá hài lòng với chất lượng dịch vụ phục vụ đầy đủ.

Nhưng vẫn còn nhiều du khách phàn nàn vì chất lượng các dịch vụ khách sạn, resort mua bằng voucher không được như quảng cáo, nhất là trong các dịp lễ tết khi các dịch vụ thường quá tải.

Theo chị Nguyễn Thị Lộc (Hà Nội) thì không nên sử dụng các loại voucher giảm giá vì hầu hết các đơn vị đưa ra khuyến mãi kiểu này chỉ mang tính hình thức. Chị Lộc kể rằng, gia đình chị đi nghỉ mát tại Cần Thơ, mua voucher trên một trang bán hàng trực tuyến được quảng cáo là đã giảm 50% với giá 500.000 đồng/đêm. Nhưng khi tới nơi thì thực tế giá phòng cũng chỉ bằng giá trên. Không những vậy, các thông tin dịch vụ được quảng cáo trên voucher khác xa so với thực tế.

Chị Hà Thanh Giang (Hà Nội) cho rằng, trong các dịp lễ Tết càng không nên sử dụng voucher bởi đến khi đặt toàn thông báo đã kín chỗ, các khách sạn, resort không ưu ái khách dùng voucher để book phòng mà thường dành cho những du khách đặt phòng trực tiếp. Nếu có thắc mắc, nhân viên khách sạn tỏ ra không hài lòng và trả lời thiếu thiện cảm.

Lãnh đạo một công ty du lịch cho biết, khó có thể kỳ vọng giá rẻ cho những tour du lịch vào dịp Tết, bởi chi phí đối với các phương tiện vận chuyển hành khách đã tăng so với ngày thường.

Chị Diễm Hằng (Long Biên – Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm trước khi mua voucher, nên kiểm tra kỹ chất lượng, view phòng khách sạn. Đồng thời, nên lựa chọn các địa chỉ có uy tín, chất lượng, chủ động nắm rõ, tìm hiểu kỹ các điều kiện đi kèm, để không bị hiểu nhầm và có cảm giác bị lừa.

Anh  Hữu Thọ, nhân viên một hãng du lịch cho rằng thường thì giá hợp đồng giữa lữ hành và khách sạn cũng rẻ hơn niêm yết nên các khách hàng vẫn book được rẻ hơn mấy chục % so với trực tiếp. Song khách hàng nên nghiên cứu kỹ, vì voucher mua không được hoàn lại. Du khách nên gọi đến khách sạn kiểm tra phòng trống, nếu có thì mới nên mua.

“Du khách nên dùng dịch vụ đặt phòng trực tiếp qua khách sạn hay các công ty, đại lý du lịch vì điều kiện ràng buộc trên voucher khá là nhiều” anh Hữu Thọ chia sẻ thêm.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, trước khi quyết định mua voucher, người mua phải đọc kỹ các điều khoản, điều kiện kèm theo. Nên tham khảo giá của sản phẩm trước khi mua voucher vì thực tế có rất nhiều địa điểm, công ty du lịch, khách sạn tự động nâng giá bán trước khi tung ra voucher để lôi kéo khách hàng, tránh trường hợp “mất tiền mà rước bực vào người”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục