Sản xuất giống cây trồng -Bài cuối: Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp

10:22' - 11/09/2022
BNEWS Tp.Hồ Chí Minh với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học đang có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm giống rau, hoa của khu vực phía Nam.

Trong định hướng chiến lược ngành nông nghiệp giai đoạn tới, các chuyên gia đều nhấn mạnh cần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và thương mại giống cây trồng nhằm đáp ứng đúng, đủ nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

 

Ưu tiên nhu cầu thị trường

Chương trình phát triển, nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 được Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại, nhằm cung cấp cho sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong số đó, mục tiêu cụ thể của ngành trồng trọt như đảm bảo sử dụng 90% giống lúa xác nhận và hạt lai F1, sử dụng giống ngô lai đạt trên 95%, 100% diện tích chè, cao su, chuối; 80-90% diện tích cà phê, điều; 70-80% diện tích cam, bưởi và 40-50% diện tích hồ tiêu, sắn trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn; sản xuất giống rau trong nước đáp ứng 25-30% nhu cầu.

Thạc sĩ Trần Đức Luân, khoa Kinh tế, Trường đại học Nông Lâm Tp.Hồ Chí Minh phân tích sự thay đổi trong xu hướng thị trường nông sản. Cụ thể, người tiêu dùng đã chuyển từ “ăn no” sang “ăn ngon”, đặc biệt chú ý đến vấn đề dư lượng hoá chất và ưu tiên sản phẩm hướng đến sức khoẻ.

Cùng với tư duy kinh tế nông nghiệp, các đơn vị nghiên cứu, chọn lọc, sản xuất giống cần chủ động sản xuất theo nhu cầu thị trường; chú trọng kênh phân phối, chuỗi giá trị nông sản. Ngoài các đơn vị nghiên cứu của nhà nước, trường, viện cần khuyến khích tư nhân tham gia nghiên cứu giống mới.

Tiến sĩ Hồ Cao Việt, chuyên gia kinh tế nông nghiệp, Trường Đại học Văn Hiến cho rằng, giống là linh hồn của sản phẩm nông nghiệp, không chỉ tạo ra giá trị, tính độc đáo, mà còn là yếu tố gây ấn tượng trong mắt và tâm trí khách hàng.

Nêu dẫn chứng về sự phù hợp giữa giống trái cây với thị hiếu khách hàng, Tiến sĩ Hồ Cao Việt cho biết, giống xoài cát Hoà Lộc rất được thị trường Việt Nam và một số nước châu Á yêu thích vì vị ngọt dậm, thơm, trái to, vỏ mỏng và hạt nhỏ. Tuy nhiên, khi xuất khẩu vào châu Âu lại không được đón nhận vì quả quá to, vị quá ngọt trong khi người châu Âu thích trái có kích thước vừa (mỗi người ăn một quả), ít ngọt và hơi chua (hàm lượng đường thấp).

Chính vì vậy, việc sản xuất giống phải xuất phát từ ý tưởng và thị hiếu người tiêu dùng, tín hiệu thị trường. Giống phải phong phú, đa dạng mới đáp ứng được thị hiếu nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Khách hàng mục tiêu của các giống cây trồng không chỉ là người trồng mà còn bao gồm người tiêu dùng tiêu thụ các sản phẩm nông sản được trồng từ hạt/cây giống.

Ngoài ra, giống vừa phải đáp ứng được các tiêu chí tạo thuận lợi, dễ dàng cho canh tác, tiết kiệm chi phí sản xuất, kháng sâu bệnh nhưng cũng phải đáp ứng được các yếu tố như cho sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, mùi vị, màu sắc, kích cỡ phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.

Đại diện Trung tâm Giống Nông nghiệp Vĩnh Long cho rằng, để nâng cao giá trị kinh tế giống cây trồng trong bối cảnh chuyển đổi sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, ngành nông nghiệp cần sắp xếp lại cách thức tổ chức sản xuất, đảm bảo tính kết nối giữa sản xuất và thị trường; trong đó, sản xuất giống cũng phải theo tín hiệu thị trường để có hiệu quả kinh tế cao nhất.

Các cơ quan quản lý nhà nước nên định hướng, tạo điều kiện thông tin để các cơ sở sản xuất giống xác định loại sản phẩm nông nghiệp đúng nhu cầu thị trường và có kế hoạch sản xuất phù hợp. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống quảng bá, giới thiệu giống phục vụ đúng yêu cầu thị trường để mang lại giá trị xứng đáng của từng loại giống.

Xây dựng trung tâm giống trọng điểm

Do đặc điểm sinh thái, vị trí địa lý trải dài, nền nông nghiệp Việt Nam cũng có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng miền. Để đáp ứng nhu cầu giống cây trồng phục vụ sản xuất đa dạng, cần có các trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống trọng điểm cho khu vực.

Tp.Hồ Chí Minh với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học đang có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm giống rau, hoa của khu vực phía Nam.

PGS.TS Dương Hoa Xô, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố có vị trí thuận lợi, nằm giữa vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ là hai vùng trồng trọt phát triển của cả nước. Trên địa bàn Thành phố có số lượng lớn các trường Đại học, viện nghiên cứu như Trường đại học Nông Lâm Tp.Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, Trung tâm Công nghệ sinh học, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và các trại thực nghiệm...

Các đơn vị khoa học này đã thực hiện nhiều đề tài và ứng dụng có kết quả vào thực tế. Nhiều bộ sưu tập giống như hoa lan, cây kiểng, rau các loại, cây dược liệu là nguồn gen phong phú cùng với phòng thí nghiệm, hệ thống nhà màng, nhà lưới hiện đại phục vụ giúp công tác chọn tạo giống đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của Tp.Hồ Chí Minh là quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh nên diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng tại thành phố khó tiếp cận được diện tích đất lớn để triển khai nghiên cứu, chọn tạo, nhân giống và sản xuất giống.

Tp.Hồ Chí Minh nên xem xét đầu tư một khu sản xuất giống cây trồng công nghệ cao từ 100 - 200 ha từ quỹ đất công của thành phố. Đồng thời, có cơ chế thủ tục đơn giản và ưu tiên về vay vốn và thuế mời gọi khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng đến đầu tư. Khu vực này sẽ phục vụ sản xuất giống đầu dòng, giống bố mẹ, giống lai F1 với các giống rau, hoa có giá trị. Cũng là nơi tiếp nhận các kết quả nghiên cứu về giống của các đơn vị như Trung tâm Công nghệ sinh học, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao hay các đơn vị khác để triển khai sản xuất giống thương phẩm, chế biến, bảo quản hạt giống.”, PGS. TS Dương Hoa Xô nêu đề xuất.

Bến Tre được biết đến là vùng có nghề sản xuất cây giống khá lâu đời ở vùng Tây Nam Bộ. Ông Nguyễn Quốc Trung, Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre cho hay: nghề sản xuất cây giống tỉnh Bến Tre nó đã góp phần rất đáng kể cho việc phát triển diện tích cây ăn quả trong thời gian qua, hàng năm cung ứng cho các tỉnh từ 17-20 triệu cây giống các loại như sầu riêng, chôm chôm…

Hiện nay, Bến Tre định hướng đầu tư để tạo ra các giống cây trồng, hoa kiểng mới, có giá trị kinh tế cao, góp phần hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập và góp phần cải thiện đời sống người dân. Theo đó, Đề án phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia, kết nối với Đề án Làng Văn hóa - Du lịch bảo tồn và khảo nghiệm, lai tạo các giống cây, hoa kiểng tiềm năng bản địa thông qua các mô hình làng hoa giấy, làng hoa mai vàng, vườn cây ăn trái, vườn sản xuất cây giống... nhằm phục vụ phát triển du lịch của huyện Chợ Lách.

Theo ông Nguyễn Quốc Trung, nhằm thích ứng và phát huy các thành tựu công nghệ vào sản xuất, thương mại giống cây trồng, Bến Tre cũng nghiên cứu đưa sản phẩm thương hiệu cây giống hoa kiểng lên sàn giao dịch điện tử. Tỉnh cũng liên kết với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong việc nhân tạo giống các loại hoa kiểng quý dựa trên kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào; tai tạo, du nhập và khảo nghiệm một số giống cây mới có năng suất đạt chất lượng cao, phục vụ nhu cầu mở rộng diện tích trái cây không chỉ cho khu vực mà còn cả nước./.

Sản xuất giống cây trồng - Bài 1: Cầu lớn cung vẫn hạn chế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục