Sản xuất thông minh: Xu thế tất yếu

06:39' - 30/09/2018
BNEWS Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Trong đó, sản xuất thông minh đang phát triển rầm rộ và trở thành một xu thế tất yếu.
Một mô hình sản xuất rau an toàn. Ảnh: TTXVN
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Trong đó, sản xuất thông minh (ứng dụng công nghệ, quy trình thông minh vào sản xuất và quản trị) đang phát triển rầm rộ và trở thành một xu thế tất yếu. 

* Sản xuất thông minh là xu thế tất yếu 

Theo nhận định và phân tích của các chuyên gia và các nhà kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0) sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất và tiêu dùng nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Nền sản xuất “tự động” đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ 3 sẽ chuyển sang nền sản xuất “thông minh”. Sự ra đời của hàng loạt công nghệ số hóa như kết nối internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (Al) hay điện toán đám mây (Cloud computing)… của cách mạng công nghiệp 4.0 đã hình thành nên một nền sản xuất đặc biệt, đó là sản xuất thông minh (Smart manufacturing). 

Sản xuất thông minh bao hàm việc ứng dụng công nghệ thông tin tới mọi khía cạnh của quy trình sản xuất hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất, rút ngắn thời gian và bảo vệ môi trường. Trong sản xuất thông minh, mọi thứ được kết nối thông qua các thiết bị cảm biến. Bởi vậy, các sản phẩm, công đoạn sản xuất, máy móc, công cụ… được tổ chức và liên lạc với nhau để nâng cao sản lượng và hiệu quả của quá trình sản xuất trong một hay thậm chí nhiều nhà máy, nhiều công ty. Hiện sản xuất thông minh đang ngày càng được ứng dụng và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trên toàn cầu. 

Các nhà máy thông minh với các công nghệ đột phá làm thay đổi phương thức làm việc truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng và hiệu quả khác biệt, vượt trội. Do đó, nguồn lao động giá rẻ đang mất dần lợi thế trong công nghiệp do tự động hóa, robot hóa, đòi hỏi phải có chính sách bảo đảm nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh mới. Đồng thời, các hoạt động tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên từng bước được thay thế bằng những nguồn vật liệu tổng hợp mới. Những tiến bộ lớn về công nghệ trong sản xuất năng lượng tái tạo đang nhanh chóng làm giảm giá thành, từ đó giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. 

Sản xuất thông minh ngày càng đóng vai trò quan trọng và là tất yếu trong quá trình chuyển đổi nền sản xuất với việc ứng dụng công nghệ số hóa vào hoạt động sản xuất, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tự ra quyết định trong các điều kiện sản xuất phức tạp nhằm tăng chất lượng và năng suất, đồng thời tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp 

Đối với Việt Nam, để tiếp cận với làn sóng công nghệ mới này, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó sản xuất thông minh được coi là yếu tố quan trọng. 

* Xây dựng thể chế, chính sách làm tiền đề 

Theo nhận định của các chuyên gia, cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam. Đặc biệt, khi mô hình nhà máy thông minh là tương lai của ngành sản xuất trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam chắc chắn sẽ không thể đứng ngoài cuộc chơi này. 

Theo phân tích của các chuyên gia, Việt Nam có vị trí khá tốt về năng lực cạnh tranh quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có thể phát huy tiếp tục. Có lợi thế dân số trẻ, có nhu cầu sử dụng công nghệ cao... Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có cách thức kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ phát triển... Đây là các nền tảng sẽ hỗ trợ mức độ sẵn sàng với tương lai của nền sản xuất thông minh. Tuy nhiên, Việt Nam mới đang được xếp hạng ở giai đoạn sơ khai về tiêu chí động lực của tương lai sản xuất, dù cao hơn Indonesia, Campuchia, nhưng lại đi sau Thái Lan, Ấn Độ, Philippines... 

Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp thông minh - Industry 4.0 Summit 2018 (diễn ra ngày 12 và 13-7-2018), Phó Trưởng ban kinh tế Cao Đức Phát cho rằng, Việt Nam cần có phân tích đánh giá những tiềm năng lợi thế của nền công nghiệp 4.0 và xu hướng công nghệ mới; phân tích, chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong việc triển khai công nghiệp 4.0 để vận hành nhà máy thông minh, nhà máy số, ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất kinh doanh; trao đổi về vấn đề quản trị rủi ro khi hầu hết các khâu của quá trình sản xuất đều được tự động hóa... 

Phát biểu kết luận tại phiên đối thoại của Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng không phải từ bây giờ mà trong quá trình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và chuyển giao khoa học công nghiệp, Việt Nam đã chủ động triển khai, chuyển giao, ứng dụng và nghiên cứu phát triển công nghệ. Các công nghệ mới của công nghiệp 4.0 đã phát huy tác dụng ở Việt Nam và mang lại những đóng góp rất cụ thể và tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội. 

“Nhưng chúng tôi hiểu rằng những kết quả mới chỉ là bước đầu, cơ hội và tiềm năng phát triển còn rất lớn”, Thủ tướng nói. Việc tiếp cận với công nghiệp 4.0 ở Việt Nam chưa bắt kịp với xu thế, bản chất của công nghiệp mới mẻ này. Do đó, chúng ta cần có các giải pháp tổ chức triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. 

Để chủ động khai thác những cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cũng như hạn chế những tác động không mong muốn, Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể. 

Thủ tướng cho biết Chính phủ, các bộ, ngành sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về cách mạng công nghiệp 4.0, một nghị quyết khoa học, sát thực tiễn của Việt Nam và gắn cách mạng công nghiệp 4.0 với Chiến lược phát triển quốc gia Việt Nam; sẽ xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 với sự tham gia của các bộ, ngành, chuyên gia, tổ chức quốc tế với tốc độ cao và dự kiến cuối năm nay sẽ xây dựng Chiến lược quốc gia để thực hiện Nghị quyết này. Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo của quốc gia, trong đó, chú trọng hơn nữa việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thành phố thông minh ở Việt Nam. Xây dựng mạng lưới nhân tài, kể cả người Việt và những người quan tâm đến Việt Nam, các chuyên gia giỏi của quốc tế về cách mạng công nghiệp 4.0. 

Tại Diễn đàn, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tập trung vào một số nội dung. Đó là trước hết, tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh. 

Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, chú trọng các quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp. 

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin-truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G, đáp ứng yêu cầu internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục