Sản xuất xanh tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu

18:31' - 28/11/2022
BNEWS Tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn.

Trong bối cảnh đó, các nước xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, “tính xanh” trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.

 

Đây là nội dung được các đại biểu nhấn mạnh tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu xanh do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 28/11.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới, góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương và cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng, nỗ lực chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện phát triển mới.

Việt Nam đã vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu dự kiến cả năm đạt khoảng 750 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2022 và tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức khá cao.

Ông Trương Đình Hoè - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) thông tin, áp lực từ thị trường, chính sách, cạnh tranh và sự nhạy cảm của các nhà quản lý doanh nghiệp về vấn đề môi trường đều tác động, thúc đẩy việc ứng dụng chiến lược xuất khẩu xanh của doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh tác động mạnh mẽ đến lợi thế cạnh tranh kỳ vọng của doanh nghiệp chế biến thủy sản; giúp khách hàng nước ngoài có thiện cảm hơn với sản phẩm của doanh nghiệp; đồng thời, giúp xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường, tạo nên lợi thế cạnh tranh khác biệt trong tâm trí khách hàng.

Ông Bartosz Cieleszynski, Phó trưởng Ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh, thương mại đối với công nghệ xanh và các sản phẩm bền vững đã trở thành xu hướng phổ biến ở các nước phát triển.

Xuất khẩu xanh - hay chính xác hơn là việc xuất khẩu sản phẩm có dấu chân carbon thấp hoặc sản phẩm môi trường là con đường đầy hứa hẹn cho các quốc gia mong muốn tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi nạn suy thoái môi trường.

Chia sẻ lợi ích và động lực đầu tư sản xuất xanh, bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú cho biết, việc áp dụng công nghệ hiện đại, tiến tiến vào chuỗi sản xuất không sử dụng hóa chất độc hại, thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải công nghiệp đã giúp công ty tạo ra các sản phẩm bền vững, thân thiện với người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra doanh nghiệp cũng chú trọng sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu hữu cơ và tái chế đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng, uy tín doanh nghiệp gia tăng, nhất là những nhãn hàng cao cấp, giúp thêm đơn hàng hơn trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Mặc dù cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều ý thức được xu hướng tăng trưởng xanh, nhưng theo ông Nguyễn Hồng Diên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, thách thức của quá trình chuyển đổi, phát triển kinh tế xanh và xuất khẩu xanh; trong đó, rào cản lớn nhất là phải thay đổi mô hình tăng trưởng, phương thức sản xuất vốn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình tiêu dùng xanh, sống xanh và phát triển bền vững.

Đầu tư cho quá trình chuyển đổi xanh sẽ là một thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và công nghệ cao.

Chi phí cho tiêu dùng xanh ban đầu cũng sẽ cao hơn mặt bằng chung của xã hội. Tuy nhiên, về lâu dài và tổng thể sẽ mang lại hiệu quả, lợi ích to lớn hơn cho mọi người dân và doanh nghiệp.

"Để tiếp tục thúc đẩy ngành ngoại thương phát triển nhanh và bền vững theo hướng xanh hóa, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi mô hình, phương thức sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu theo tiêu chí xanh, bền vững, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thương mại toàn cầu”, ông Nguyễn Hồng Diên nêu giải pháp.

Ông Trương Đình Hoè cho rằng lợi thế cạnh tranh từ sản phẩm sản xuất xanh chính là đòn bẩy để doanh nghiệp đạt được hiệu suất tài chính tốt.

Tuy nhiên việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh không phải ngay lập tức mang lại hiệu quả mà cần thời gian để doanh nghiệp tạo dựng và phát triển được lợi thế cạnh tranh.

Trên thực tế, việc thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh tại Việt Nam đã được tiến hành, nhưng để nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn, thử thách cả khách quan lẫn chủ quan.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh là hướng đi tất yếu, nhưng nếu đợi sản xuất đi theo khi thị trường đòi hỏi bắt buộc thì chính doanh nghiệp sẽ bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm cùng loại.

Do đó, ngay lúc này các nhà quản lý doanh nghiệp chế biến thủy sản, nên chủ động chuyển đổi sang chiến lược xuất khẩu xanh để nắm giữ những lợi thế năng lực cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu.

Về phía cơ quan quản lý, cần có ưu đãi đặc biệt (ví dụ như giảm thuế liên quan đến xuất khẩu sản phẩm xanh) để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng chiến lược xuất khẩu xanh...

Ông Bartosz Cieleszynski đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam hãy làm quen với lựa chọn của người tiêu dùng và đáp ứng kỳ vọng của họ bằng việc cung ứng sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, xanh, thân thiện môi trường.

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và một khi các thông lệ tự nguyện trở thành tiêu chuẩn bắt buộc, cạnh tranh trên thị trường sẽ trở nên rất gay gắt.

Đó là lý do tại sao nhu cầu phát triển bền vững cần được đáp ứng đầy đủ trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU nói riêng và các mối quan hệ thương mại toàn cầu nói chung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục