Sáng kiến thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đang dần thành hiện thực

06:10' - 08/04/2021
BNEWS Được Mỹ đề xuất và được IMF ủng hộ, cũng như sự hoan nghênh của nhiều nền kinh tế lớn như Pháp và Đức, sáng kiến mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu đang tiến gần đến hiện thực.

Cuộc cải cách với mục đích chấm dứt sự cạnh tranh về thuế giữa các nước và việc các doanh nghiệp lợi dụng các thiên đường thuế sẽ nằm trong chương trình nghị sự của các bộ trưởng tài chính Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong cuộc họp trực tuyến ngày 7/4, với một đề xuất có thể được đưa ra vào tháng Bảy.

Ý tưởng này đã được khuyến khích bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và đã nhận được một lực đẩy mới trong tuần này, khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bà sẽ thúc đẩy một thỏa thuận giữa các nền kinh tế phát triển trong G20 về vấn đề này.

Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là để đảm bảo các công ty phải nộp một khoản thuế tối thiểu bất kể họ ở đâu, từ đó ngăn chặn các doanh nghiệp trốn thuế bằng cách thành lập trụ sở ở những nước có thuế suất thấp, một hành vi phổ biến đối với các công ty công nghệ và làm giảm nguồn thu của chính phủ các nước.

Mỹ đã hạ thuế doanh nghiệp vào năm 2017 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Nhưng Tổng thống Joe Biden hồi tuần trước đã đề xuất nâng thuế doanh nghiệp để tài trợ cho kế hoạch việc làm và đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, bà Yellen cho rằng tốt nhất là kết hợp việc tăng thuế của Mỹ với việc thiết lập một mức thuế tối thiểu trên toàn cầu để chấm dứt “cuộc đua xuống đáy” về thuế giữa các nước.

Các đồng minh của Washington đã hoan nghênh động thái trên của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng một thỏa thuận toàn cầu về thuế quốc tê hiện đã trong tầm với và kêu gọi các nước “nắm bắt cơ hội lịch sử” này.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz gọi bình luận của bà Yellen là “một bước tiến lớn” trong cuộc chiến ngăn chặn hao hụt doanh thu của chính phủ. Ủy ban châu Âu (EC) cũng thể hiện thái độ tương tự, khi phát ngôn viên Daniel Ferrie cho biết khối này kêu gọi tất cả các đối tác toàn cầu tham gia và tiếp tục nỗ lực này.

IMF ngày 6/4 lên tiếng ủng hộ sáng kiến thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Phát biểu khai mạc kỳ họp mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath nhấn mạnh lượng tiền thuế lớn bị thất thoát do hành vi trốn thuế của các doanh nghiệp bằng cách chuyển tiền đến các thiên đường thuế.

Cải cách quốc tế này sẽ bao gồm hai thành phần: thuế suất tối thiểu và việc thiết lập một hệ thống để điều chỉnh thuế doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận ở mỗi nước, bất kể trụ sở doanh nghiệp được đặt ở đâu. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến các tập đoàn công nghệ lớn.

Chưa có một thuế suất tối thiểu toàn cầu chính thức nào được đưa ra, nhưng các dự đoán hiện rơi vào khoảng từ 12,5-21%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục