Sáng nay 18/11, Quốc hội thảo luận tại tổ 2 dự án Luật

07:44' - 18/11/2019
BNEWS Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng là các nội dung Quốc hội sẽ thảo luận trong sáng nay.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 14/11. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 18/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 19 Điều, bổ sung 03 Điều và đổi tên Chương IV của Luật Phòng, chống thiên tai; sửa đổi 08 Điều của Luật Đê điều; sửa tên "Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn" thành "Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn" để phù hợp với Quyết định 2050/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ tại Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Dự thảo Luật sửa tên “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn” thành “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn” để phù hợp, thống nhất tên gọi từ Trung ương xuống địa phương tại Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Thủy sản; sửa tên “Ban chỉ đạo phòng chống lụt, bão trung ương” thành “Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai” tại Luật Đê điều; sửa tên “Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão” thành “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn” tại Luật Đê điều.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng gồm 02 Điều (Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014. Điều 2: Điều khoản thi hành) được xây dựng trên cơ sở tuân thủ 03 nhóm chính sách, bao gồm: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.
Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội biểu quyết Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Việc xây dựng Đề án là cần thiết, cho phép tích hợp hệ thống chính sách dân tộc thành Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2030, đối tượng điều chỉnh là các dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn; tên gọi là: Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Chính sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển; tốc độ tăng trưởng phát triển ở khu vực này đã tiến bộ hơn trước; cơ sở hạ tầng như đường, điện, trường học, trạm y tế, các công trình thủy lợi từng bước được đầu tư phát triển đồng bộ; công tác định canh, định cư luôn gắn với việc hoạch định chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị; công tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số đã được quan tâm đúng mức.
Thời gian còn lại của phiên làm việc, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia./.

>>> Phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục