Tầng lớp trung lưu ở Đức tích luỹ tài sản đáng kể

08:30' - 12/07/2025
BNEWS Tài sản ròng trung vị của hộ gia đình dưới 35 tuổi thấp hơn đáng kể, ở mức 17.300 euro, trong khi mức trung vị ở nhóm tuổi từ 55 đến 64 là 241.100 euro, cao nhất trong các nhóm tuổi.
Phóng viên TTXVN tại Đức trích dẫn một nghiên cứu gần đây của Viện Kinh tế Đức (IW) dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Đức (Deutsche Bundesbank) cho thấy, mức tài sản trung vị của các hộ gia đình nước này năm 2023 là 103.100 euro (khoảng 120.572 USD) trong khi 10% số hộ gia đình giầu có nhất có mức tài sản trung vị 777.200 euro.

Khi đánh giá các số liệu, các tác giả của nghiên cứu tập trung vào mức trung vị, tức là mức nằm ở giữa, chia số hộ gia đình thành hai nhóm bằng nhau, một nhóm sở hữu mức tài sản cao hơn và một nhóm có tài sản ít hơn. So với trung bình số học, thường được gọi là trung bình cộng, trung vị ít bị ảnh hưởng bởi các giá trị chênh lệch thái quá.

Nghiên cứu cũng cho thấy mức tài sản sở hữu có mối tương quan chặt chẽ với độ tuổi: Tài sản ròng trung vị của hộ gia đình dưới 35 tuổi thấp hơn đáng kể, ở mức 17.300 euro, trong khi mức trung vị ở nhóm tuổi từ 55 đến 64 là 241.100 euro, cao nhất trong các nhóm tuổi. Lý do chính là cần nhiều thời gian, thậm chí là cả cuộc đời làm việc để tích lũy tài sản. Chỉ khi nghỉ hưu, tài sản của người Đức mới dần giảm xuống trở lại, mặc dù vậy, nhóm hộ gia đình có độ tuổi từ 75 tuổi trở lên vẫn có mức tài sản trung vị 172.500 euro.

 
Phân tích các số liệu dựa trên khảo sát "Hộ gia đình tư nhân và tình hình tài chính" của Ngân hàng Trung ương Đức, trong đó đi sâu chi tiết vào tình hình tài sản và nợ của gần 4.000 hộ gia đình. Nghiên cứu xem xét tài sản ròng, tức là tổng tài sản trừ đi các khoản nợ phải trả, của hộ gia đình vào năm 2023, trong đó bao gồm cả bất động sản, tài sản tài chính, đồ vật có giá trị, xe cộ và tài sản kinh doanh.

Nghiên cứu cũng cho thấy sở hữu nhà đóng một vai trò quan trọng trong tích luỹ của cải. Trong khi chưa đến một phần mười số người dưới 35 tuổi có nhà riêng, thì hơn một phần hai số người từ 55 tuổi đến 64 tuổi có sở hữu nhà. Chuyên gia Maximilian Stockhausen của IW, và cũng là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Nếu chính phủ muốn tạo điều kiện cho tích lũy của cải tư nhân, họ có thể giảm bớt gánh nặng thuế đối với thu nhập kiếm được. Nếu người lao động giữ lại được nhiều thu nhập ròng hơn thì họ sẽ có thêm nhiều cơ hội tích lũy của cải".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục