Sáng tác điện ảnh thị trường đã có bứt phá

14:38' - 09/04/2018
BNEWS So sánh giữa hai dòng phim thị trường và nghệ thuật, chúng ta vẫn phải thừa nhận dòng phim xã hội hóa hay phim thị trường đã gánh vác được sứ mệnh của mình.

Sáng tác điện ảnh thị trường ở Việt Nam đã có những bứt phá đáng ghi nhận. Đây là ý kiến đánh giá của hầu hết đại biểu tham dự tọa đàm “Nhìn lại sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2017” do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức ngày 9/4, tại Hà Nội.

Tại cuộc tọa đàm, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết: Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Lễ trao Giải Cánh diều 2017, là cuộc trao đổi về nghề nghiệp nhằm nhìn lại mặt bằng sáng tác điện ảnh năm qua. Thông qua đó, các đại biểu đưa ra nhận xét, đánh giá để các cơ sở sản xuất phim tham khảo trong quá trình sáng tạo thời gian tới; giúp chặng đường sắp tới của Điện ảnh nước nhà phát triển tốt hơn.

Tại tọa đàm, các đại biểu được nghe nhận xét, đánh giá của đại diện Ban Giám khảo các thể loại tham dự Giải Cánh diều năm 2017. Giải Cánh diều năm 2017 có 55 cơ sở sản xuất với 117 tác phẩm ở các thể loại tham dự. Đánh giá chung của Ban Giám khảo các hạng mục giải thưởng, năm nay, phim gửi tới dự Giải đa dạng về thể loại, đề tài. Đề tài lịch sử truyền thống nằm nhiều ở mảng phim tài liệu nhưng lại vắng bóng ở mảng phim truyện điện ảnh.

Ở mảng phim truyện xã hội hóa (phim thị trường), sản lượng phim ít hơn năm 2016. Mới có 13/38 phim sản xuất trong năm 2017 gửi về dự Giải. Mảng phim tài liệu - khoa học phong phú nhưng chất lượng vẫn còn phải bàn thảo. Mảng phim truyện truyền hình chất lượng khá cao. Tuy nhiên, tại mảng phim điện ảnh, các cơ sở có nhiều đóng góp, tạo nên diện mạo cho điện ảnh cách mạng Việt Nam không tham gia Giải.

Với tư cách là khán giả, người quan sát điện ảnh Việt Nam nhiều năm qua, Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Minh Tuấn cho rằng: Phim tham dự Giải Cánh diều 2017 tạo nên nhiều xúc cảm. Dòng phim thị trường ra rạp mang diện mạo mới, hoàn toàn khác so với những đợt phim dự giải trước. Ranh giới giữa nghệ thuật và thị trường dường như đã xóa nhòa, có nhiều lúc quyện vào nhau.

So sánh giữa hai dòng phim thị trường và nghệ thuật, chúng ta vẫn phải thừa nhận dòng phim xã hội hóa hay phim thị trường đã gánh vác được sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, các nhà làm phim tư nhân chủ yếu đầu tư cho những phim với không gian nhỏ, quan hệ hẹp; chưa nêu bật được không gian rộng lớn, cuộc sống chung của cả cộng đồng, dân tộc.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đào Bá Sơn cho biết thêm: Điện ảnh thị trường đang lên ngôi. Trong 2 năm qua, không có bộ phim nào do Nhà nước đầu tư sản xuất. Điều này phần nào cho thấy sự tồn tại, không tồn tại của điện ảnh Việt Nam chính là do thị trường quyết định.

Đáng mừng là qua nhiều liên hoan phim, dòng phim thị trường càng ngày càng phát triển. Đặc biệt, kỹ xảo, âm thanh, hình ảnh đang được đầu tư rất tốt. Cách kể một câu chuyện, xử lý tình huống được quan tâm, chỉn chu hơn. Những bộ phim hài nhảm, cẩu thả hầu như không còn. Ngày càng nhiều bộ phim ăn khách, chất lượng cao ra đời, các nhà làm phim đang từng bước hướng tới vẻ đẹp rất nhân văn...

Theo Tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú, phim thị trường và khái niệm thị trường của những năm 80 của thế kỷ XX và ngày nay đã khác nhau nhiều. Phim thị trường trong thời đại mới là thị trường phục vụ cho công dân toàn cầu. Bởi vậy, phim thị trường hôm nay đã có những thay đổi để phù hợp với thị trường.

Các nhà làm phim đã biết tiết chế cái tôi cá nhân, quan tâm đến những điều khán giả cần, thị trường quan tâm. Để có những sáng tác chất lượng, bắt kịp với thị trường, các nhà viết kịch bản cần đổi mới, cho ra đời các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả, xu hướng của thị trường.../.

>>> Những mốc son rực rỡ của điện ảnh Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục