Sanofi khẳng định công nghệ mRNA giúp ngăn ngừa các đại dịch trong tương lai

16:27' - 28/09/2021
BNEWS Ngày 28/9, hãng dược Sanofi của Pháp thông báo cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu đối với vaccine phòng COVID-19 theo công nghệ mRNA đã ghi nhận kết quả sơ bộ tích cực.

Đây là ứng cử viên vaccine phòng COVID-19 mà Sanofi cùng với Translate Bio của Mỹ hợp tác bào chế và phát triển.

Tuy nhiên, Sanofi quyết định không tiếp tục các giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, đồng thời khẳng định thế giới cần được trang bị vaccine sử dụng công nghệ mRNA để ngăn ngừa đại dịch trong tương lai, các căn bệnh khác.

Trong một thông báo, Sanofi cho biết dữ liệu ban đầu của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I/II cho thấy 91% -100% tình nguyện viên tham gia đều có có kháng thể trung hòa 2 tuần sau mũi tiêm đầu tiêm thứ hai ở cả 3 liều thuốc thử nghiệm.

Cụ thể, 91% những người được tiếp nhận 2 mũi tiêm với liều lượng 7,5 microgram ghi nhận mức kháng thể trung hòa tăng 4 lần.

Trong khi đó, 100% những người tiếp nhận 2 mũi tiêm với liều lượng cao hơn, lần lượt là 15 microgram và 454 microgram, ghi nhận mức tăng tương tự về kháng thể trung hòa.

Thông báo của Sanofi nêu rõ các nhà nghiên cứu không theo dõi các phản ứng phụ của vaccine này. Phó Giám đốc phụ trách vaccine của Sanofi Thomas Triomphe cho biết vaccine của hãng này đã tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh.

Tuy nhiên, dù ghi nhận kết quả khả quan ở giai đoạn 1 và 2 của cuộc thử nghiệm lâm sàng, song Sanofi thông báo dừng phát triển vaccine mRNA trên, bởi hãng cho rằng thời điểm vaccine này ra mắt thị trường (quý IV/2022 hoặc quý I/2023) là quá muộn.

Dự kiến đến cuối năm nay thế giới có khoảng 12 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 do các hãng dược khác sản xuất, và con số này sẽ lên tới 40 tỷ liều vào cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Phó Giám đốc Sanofi Triomphe khẳng định điều thế giới cần hiện tại không phải phát triển một vaccine mới sử dụng công nghệ mRNA, mà cần trang bị công nghệ mRNA để có thể đối phó với đại dịch trong tương lai, với những căn bệnh mới.

Hiện tại, Sanofi đang thúc đẩy phát triển vaccine ngừa COVID-19 trong dự án hợp tác với công ty dược GlaxoSmithKline (GSK) của Anh. Dự kiến kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ có vào cuối năm 2021.

Sản phẩm này kết hợp giữa kháng nguyên do Sanofi phát triển, vốn có vai trò kích thích sản sinh kháng thể, và tá dược của GSK, đóng vai trò tăng cường phản ứng miễn dịch do vaccine tạo ra. 

Hồi cuối tháng 6, hãng dược Sanofi thông báo sẽ đầu tư 2 tỷ euro (2,4 tỷ USD) vào bào chế vaccine ngừa COVID-19 phát triển theo công nghệ mRNA.

Cụ thể, hãng sẽ đầu tư 400 triệu euro/năm từ nay đến năm 2025 để phát triển ít nhất 6 vaccine ngừa COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA. 

Hãng sẽ thành lập trung tâm công nghệ mRNA với 400 nhân viên tại các phòng thí nghiệm ở thành phố Cambridge (Mỹ) và Marcy-L'Etoile gần thành phố Lyon (Pháp).

Hiện nay trên thế giới các loại vaccine ngừa COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA là vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech và Moderna.

Công nghệ này sử dụng mã di truyền RNA để kích hoạt sản sinh các loại protein đột biến nhằm tạo ra đột biến cụ thể của virus SARS-CoV-2.

Các tế bào miễn dịch của cơ thể nhận ra protein đột biến là ngoại lai và sẽ bắt đầu xây dựng phản ứng miễn dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục