Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế: Điều chỉnh sát người, sát việc hơn

10:01' - 17/09/2024
BNEWS Để tinh giản 10% biên chế đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2021 – 2026, quan điểm của Bộ Nội vụ là cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ.

Tại buổi Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm việc với Bộ Nội vụ diễn ra ngày 16/9, từ thực tế của Bộ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương đã nêu lên đề xuất liên quan đến việc chuyển viên chức thành công chức.

Hơn 7.000 viên chức cần chuyển qua công chức

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông gặp vướng mắc về biên chế ở hai đơn vị là Cục Tần số vô tuyến điện và Cục Viễn thông. Tại hai đơn vị này có một số cán bộ đang là viên chức làm công việc của công chức từ rất lâu. Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương mong muốn Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình quan tâm chỉ đạo sớm, trong thời gian tới có cơ chế để chuyển những cán bộ này thành công chức.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về tổ chức biên chế. Bộ Chính trị đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương có giải pháp để điều chuyển những viên chức này thành công chức. Hiện nay, không chỉ riêng Bộ Thông tin và Truyền thông mà cả nước có hơn 7.000 viên chức cần chuyển qua công chức; trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ và các địa phương. Bộ cũng đang tiếp tục rà soát lại những trường hợp tương tự.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân, thời gian qua, để có cơ sở cho các Cục vừa có chức năng quản lý, vừa có chức năng thu phí như: Bộ Thông tin và Truyền thông có 2 Cục Tần số vô tuyến điện và Cục Viễn thông; Bộ Giao thông vận tải có các cảng vụ, Cục Đăng kiểm, Cục Hàng không, Cục Hàng hải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật..., trong quá trình xây dựng biên chế, nhân sự này tại các Cục này lại là viên chức, nhưng thực ra là cơ quan quản lý nhà nước phải là công chức.

Sắp tới thực hiện chế độ tiền lương mới theo Kết luận 83-KL/TW của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương thì những cục, vụ này về cơ bản trở lại cơ chế bình thường, chứ không theo cơ chế hiện hành áp dụng như đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang trình Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì một cuộc họp về nội dung này.

Đặt vấn đề "nếu sau này các cục, vụ trên không được áp dụng cơ chế đặc thù nữa, một số cục không được là đơn vị sự nghiệp công lập, không làm theo cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập nữa thì không biết phân bổ lương thế nào", bà Mai Thị Thu Vân đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm hỗ trợ sớm.

Thứ trưởng Nội vụ Trương Hải Long cho biết, việc quản lý biên chế như trên đã tồn tại từ lâu, nhiều đơn vị có hàng nghìn người nhưng không được giao một biên chế công chức nào, hoặc những đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước và có nguồn thu. Bộ Nội vụ đã rà soát tổng hợp và thấy rằng, những vị trí đó đúng là phải giao biên chế công chức. Hiện có hơn 7.000 người đang là viên chức đúng ra là phải giao biên chế công chức. Việc này đã được báo cáo Bộ Chính trị. Ngày 16/8/2024, Bộ Chính trị đã có văn bản giao Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương rà soát tổng hợp số biên chế này để điều chỉnh cùng một lúc.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng băn khoăn về việc nếu chuyển hơn 7.000 viên chức sang công chức có ảnh hưởng đến việc tinh giản biên chế công chức hay không; cần tính đến phương án cơ quan hành chính có nguồn thu thì tính thêm công chức hợp đồng.

Ông cho biết, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để đưa vào chính sách tổng thể. Để tinh giản 10% biên chế đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2021 – 2026, quan điểm của Bộ Nội vụ là cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ. Thứ trưởng Trương Hải Long kiến nghị Chính phủ sớm sửa Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập để có cơ chế quản lý tài chính, giao kinh phí hoạt động cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Điều chỉnh sát người, sát việc hơn

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã góp phần thay đổi cục diện căn bản trong tổ chức bộ máy; thể hiện qua việc quyết tâm, quyết liệt trong sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ, ngành. Trước đây, các địa phương triển khai nhiệm vụ này quyết liệt, nhưng một số bộ, ngành không thực hiện hoặc thực hiện rất ít. Đến nay, các bộ, ngành đều sắp xếp lại, qua đó giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, 10 cục và 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ. Cùng với đó, đẩy mạnh sắp xếp các tổ chức hành chính của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, giảm 13 sở và tương đương, 2.159 phòng và tương đương. Các đơn vị sự nghiệp công lập cũng có số lượng sắp xếp rất lớn.

"Chúng ta phải chấp nhận cơ học trong giai đoạn nhất định để sắp xếp một khối lượng rất lớn, nếu không cơ học không làm được. Chỗ nào cũng lý sự, nói khó, nói lý do để không sắp xếp. Vì vậy phải giao chỉ tiêu mới làm được. Từ đó đã giảm được số lượng lớn đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao nhận thức trong việc tinh giản biên chế", bà Trà cho hay.

Bản thân Bộ Nội vụ với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng, đôn đốc thực hiện các chủ trương này đã gương mẫu cắt giảm 64 đơn vị bên trong, sắp xếp 4 đầu mối của bộ, giảm 15% biên chế công chức trong suốt giai đoạn vừa qua.

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nội vụ, cho rằng việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thời gian qua còn đang cơ học, cào bằng, song Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định, “một mặt nào đó, nếu không thực hiện như vậy thì không giảm được số lượng đơn vị đầu mối và biên chế”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tới đây vấn đề này sẽ được điều chỉnh tinh tế hơn, sát người, sát việc hơn.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) Vũ Hải Nam, trong sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW (về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập), khó khăn nhất là thực hiện giảm 10% đầu mối đơn vị sự nghiệp. Hiện số lượng đơn vị sự nghiệp tập trung ở địa phương, chủ yếu là ở lĩnh vực giáo dục.

Ông Nam cho biết, vấn đề này đã được Bộ Nội vụ báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị. Bộ đã xác định giải pháp then chốt, vừa thu gọn đầu mối nhưng vẫn bảo đảm nâng cao mức độ tự chủ. Mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp là giải pháp để thực hiện cơ cấu lại số người làm việc. Khi đẩy mạnh mức độ tự chủ sẽ có điều kiện giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục