Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long: Bài 2-Thực hiện các giải pháp tổng thể, đồng bộ

13:39' - 24/05/2017
BNEWS Phải xây dựng các công trình bảo vệ khu vực sạt lở, xây dựng các khu tái định cư ổn định chỗ ở cho người dân, tập trung vào làm trước những công trình cấp bách.

Đã đến lúc cần khảo sát, điều tra, đánh giá một cách tổng thể, khoa học nguyên nhân sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố trong vùng cần rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các ngành lĩnh vực. Đặc biệt là quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, tái cơ cấu phát triển ngành gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Nâng cao ý thức người dân, cán bộ đối với việc phòng chống thiên tai nói chung, chống sạt lở nói riêng tránh thiệt hại tài sản, tính mạng người dân. Đồng thời, phải xây dựng các công trình bảo vệ khu vực sạt lở, xây dựng các khu tái định cư ổn định chỗ ở cho người dân, tập trung vào làm trước những công trình cấp bách. Đây chính là những giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ nhằm phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

* Xác định cụ thể cấp độ rủi ro

Cũng tại cuộc họp với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long trung tuần tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ: Đối với các Bộ, ngành chức năng, phải tập trung lập quy hoạch bờ sông, bờ biển, điều tra, đánh giá, những nguyên nhân và đưa ra các giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; hướng dẫn các địa phương phân công các đơn vị duy tu, bảo dưỡng các công trình, trồng rừng; rà soát các cấp độ thiên tai trình Chính phủ phê duyệt, rà soát hệ thống quan trắc thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước.

Phối hợp nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nước biển dâng, để phòng chống xói lở, đánh giá hằng năm về tổng lượng bùn cát đã về và tổng lượng khai thác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tìm nguồn vốn để thực hiện các công trình ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung xác định các cấp độ rủi ro thiên tai bảo đảm phù hợp hơn với thực tế, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại Luật Phòng chống thiên tai làm cơ sở để triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác phòng chống thiên tai.

Những dòng sông ở ĐBSCL "kêu cứu" vì sạt lở nghiêm trọng. Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát hệ thống quan trắc về thủy, hải văn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trên phạm vi toàn quốc, kịp thời bổ sung để hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu về tài liệu cơ bản thủy, hải văn phục vụ quản lý tài nguyên nước, phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế-xã hội. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống sạt lở.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần tổ chức theo dõi và đánh giá hằng năm về tổng lượng bùn cát đến từ thượng nguồn sông Cửu Long và tổng lượng cát khai thác trong vùng, làm cơ sở để đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế về nguy cơ suy thoái lòng dẫn, suy kiệt dòng chảy.

Chỉ đạo việc rà soát các hoạt động khai thác cát sỏi ở lòng sông, ven biển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét nghiêm cấm việc khai thác cát, sỏi tại các khu vực trọng điểm đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Các Bộ, ngành và chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra các công trình ven sông, ven biển để kịp thời bảo vệ công trình chống sạt lở, kiểm tra khai thác cát sỏi ven sông, ven biển, đặc biệt là việc khai thác trái phép, không đúng quy hoạch.

Về lâu dài các tỉnh cần rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, các ngành lĩnh vực, đặc biệt là quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, tái cơ cấu phát triển ngành gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, cán bộ đối với việc phòng chống thiên tai nói chung, chống sạt lở nói riêng tránh thiệt hại tài sản, tính mạng người dân. Đồng thời, phải xây dựng các công trình bảo vệ khu vực sạt lở, xây dựng các khu tái định cư ổn định chỗ ở cho người dân, tập trung vào làm trước những công trình cấp bách.

* Những giải pháp căn cơ

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực chịu nhiều tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu. Do vậy, ngoài việc thực hiện các chính sách, pháp luật chung về ứng phó với biến đổi khí hậu, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn được Chính phủ ưu tiên chỉ đạo triển khai thực hiện một số chương trình, như rà soát, công bố các kịch bản biến đổi khí hậu chi tiết đến cấp xã, tăng cường công tác dự báo khí tượng thủy văn; phân bổ kinh phí, triển khai xây dựng nhiều công trình, mô hình... thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm ứng phó với những tác động trước mắt cũng như lâu dài của biến đổi khí hậu, tập trung vào các giải pháp phi công trình như trông rừng ngập mặn ven biển nhằm tăng cường hấp thụ khí nhà kính, bảo vệ hệ thống đê, kè ven biển tạo sinh kế cho người dân bản địa...
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ danh mục các dự án ứng phó với biển đổi khí hậu. Trong đó, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đề xuất 9 dự án chuyển tiếp với tổng số vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 945 tỉ đồng; bổ sung 15 dự án mở mới với tổng số vốn đầu tư là 7.162 tỉ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ 3.230 tỉ đồng.
Tuy vậy, việc lựa chọn giải pháp phù hợp phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển phụ thuộc vào điều kiện địa chất, địa hình, mực nước, tốc độ dòng chảy và tình trạng sạt lở của từng khu vực riêng.

Nên cần có những nghiên cứu khảo sát cụ thể. Để khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị và đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp trước mắt và lâu dài cần triển khai.
Theo đó, Chính phủ sớm xem xét phê duyệt danh mục các Dự án thuộc “Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh”, hoặc cho phép triển khai trước Dự án chống sạt lở sông Hậu.

Giao các Bộ, các địa phương thuộc lưu vực sông Tiền, sông Hậu trong Chương trình tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá một cách tổng thể, bài bản, khoa học tất cả các nguyên nhân sạt lở trên địa bàn An Giang và toàn bộ lưu vực sông Tiền, sông Hậu. Xác định cụ thể những khu vực xung yếu, đề xuất các giải pháp tổng thể, đồng bộ từ quy hoạch, xây dựng công trình, quan trắc theo dõi diễn biến để bảo vệ.

Cần hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân trong vùng có nguy cơ bị sạt lở. Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm khởi động lại giai đoạn 2 Dự án cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có các tiểu dự án thành phần phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Riêng đối với An Giang, sẽ cần có các dự án về di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân trong vùng có nguy cơ bị sạt lở.

Tỉnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả 4 dự án sau khi được phê duyệt (thuộc danh mục các dự án về biến đổi khí hậu ưu tiên bố trí vốn trong Chương trình mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020), để góp phần hỗ trợ tỉnh giải quyết các vấn đề cấp bách.

Các dự án bao gồm Xây dựng mô hình hồ chứa nước vùng khô cạn cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân vùng núi thuộc huyện Tri Tôn; Kè chống sạt lở bờ sông Hậu, bảo vệ thành phố Long Xuyên; Xây dựng hệ thống thuỷ lợi vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho đồng bào vùng Bảy Núi; Chống sạt lở sông Hậu.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chính phủ đã tiếp nhận và đang tổ chức triển khai Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, sản phẩm hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Hà Lan với sự tham gia xây dựng của các nhà khoa học, quản lý của Hà Lan. Bản Kế hoạch đã tính đến khá đầy đủ quá trình phát triển và vấn đề quản lý tài nguyên nước của Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mối quan hệ với các quốc gia thượng nguồn.

Trong đó xác định An Giang là vùng thượng nguồn, đóng vai trò quan trọng đối với đồng bằng châu thổ trong việc ứng phó với lũ lụt, bảo đảm nguồn nước ngọt cho vùng trung tâm đồng bằng và ven biển đồng bằng.

Tỉnh là vùng kinh tế nước ngọt trong định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần đặt trong mối quan hệ phát triển tương hỗ với các vùng kinh tế nước mặn và nước lợ. Các dự án trong khuôn khổ Kế hoạch cần phải được triển khai càng sớm càng tốt để thay đổi cách tiếp cận trong phát triển, hướng tới việc tiếp cận phát triển kinh tế dựa trên hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề xuất trong khuôn khổ Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ, sẽ có dự án rà soát lại toàn bộ quy hoạch của Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có An Giang nhằm tính toán, xây dựng chiến lược phát triển, xem xét lại toàn bộ hạ tầng, quy hoạch đô thị, quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác, bảo đảm tích hợp, thống nhất một quy hoạch chung theo tinh thần mới nhất của dự thảo Luật quy hoạch đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch của các địa phương khác trong vùng theo cách tiếp cận của quy hoạch vùng. Đồng thời, tăng cường cơ chế phối hợp liên tỉnh với các địa phương trong lưu vực trong việc quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát, nạo vét luồng lạch, trong đó chú trọng công tác đánh giá tác động môi trường tổng hợp./.

>>>Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long: Bài 1- Nguy cơ sạt lở nghiêm trọng gia tăng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục