Sau vụ hỏa hoạn tại nhà trọ, nhu cầu nhà ở xã hội cho thuê càng cấp bách

12:21' - 24/05/2024
BNEWS Hiện nhà ở xã hội vẫn rất khan hiếm, nhất là loại hình cho thuê nên nhu cầu thuê trọ từ nhà dân của người lao động, sinh viên tại các đô thị lớn vẫn rất cao dù rất nhiều hiểm họa đang rình dập.

 

Trước khi bước vào phiên họp chính thức ngày 24/5, đầu giờ sáng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới nạn nhân vụ cháy nhà trọ tại ngõ 43 Trung Kính, phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 14 người tử vong, 3 người bị thương. Trước vụ việc này, một lần nữa an toàn cháy nổ lại được cảnh báo tại những nhà trọ, cho thuê. Hiện nhà ở xã hội vẫn rất khan hiếm, nhất là loại hình cho thuê nên nhu cầu thuê trọ từ nhà dân của người lao động, sinh viên tại các đô thị lớn vẫn rất cao dù rất nhiều hiểm họa đang rình dập. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi nhanh với Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- đoàn Hải Dương- Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội xung quanh chủ đề này.

Phóng viên:Nhu cầu ở nhà thuê của người dân rất cao, nhất là khu vực đô thị lớn trong khi nguồn cung chính được kỳ vọng như nhà ở xã hội cho thuê lại rất khan hiếm. Vụ hỏa hoạn vừa xảy ra sáng nay một lần nữa lại khiến dư luân dấy lên mong muốn tìm được những loại hình nhà ở cho thuê đảm bảo an toàn hơn, cải thiện điều kiện sống tốt hơn. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này ra sao?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Vụ cháy sáng ngày hôm nay là một tin rất buồn. Bấy lâu nay chúng ta đã nói rất nhiều đến các vụ cháy và nguy cơ xảy ra cháy tại các khu nhà trọ, nhà cho thuê, chung cư mini tại các đô thị lớn; trong đó có Hà Nội. Và trên thực tế đã xảy ra rất nhiều các vụ cháy với hậu quả vô cùng thương tâm; không chỉ ảnh hướng đến tài sản của người dân mà nghiêm trọng hơn là khiến cho rất nhiều người tử vong và bị thương.

Sau mỗi lần như thế, chúng ta đã đề ra rất nhiều giải pháp để hạn chế được đến mức độ thấp nhất các vụ cháy xảy ra, đặc biệt là đối với khu vực nhà dân. Một trong những giải pháp đó chính là sự nỗ lực có thể quản lý tốt được các phương tiện phòng - chống cháy nổ từ các khu tập thể, chung cư cũng như nhà dân riêng lẻ.

Tuy nhiên, theo tôi, có một giải pháp nữa chúng ta cần quan tâm bởi liên quan đến một loạt các luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Đây chính là những luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội và đã nhấn mạnh phải quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc nhà ở xã hội cho thuê.

Bởi theo như kết quả giám sát và khảo sát hiện nay thì dù đã được hưởng rất nhiều ưu đãi nhưng tại nhiều nơi, giá nhà ở xã hội vẫn khá cao so với thu nhập của người lao động có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở đô thị lớn.

Đơn cử như tại Hải Dương, nhà ở xã hội dao động từ khoảng 11 – 14 triệu đồng/m2. Như vậy, với một căn nhà ở xã hội khoảng 50 m2 thì người thu nhập cũng đã phải bỏ ra một số tiền rất lớn để sở hữu và nó đang vượt quá khả năng chi trả của họ.

Qua giám sát, rất nhiều người lao động phản ánh, với mức lương hiện nay, họ chỉ đủ sống ở các đô thị chứ không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể. Vậy sẽ rất khó có thể bỏ ra ít nhất từ 500 – 700 triệu đồng hay 1 tỷ đồng để mua một căn nhà ở xã hội.

Đấy là điều không tưởng và đa phần nguyện vọng của người lao động có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở các đô thị lớn đều rất mong muốn được sở hữu một căn nhà ở xã hội nhưng không phải dưới dạng mua trả góp mà với hình thức trả tiền thuê hàng tháng.

Sau vụ hỏa hoạn nghiệm trọng vừa xảy ra sáng nay tại Hà Nội, một lần nữa chúng ta lại thấy cần thiết phải quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc nhà ở xã hội cho thuê để người lao động có thu nhập thấp đủ khả năng tiếp cận. Nhà ở xã hội được hình thành chắc chắn đã đáp ứng được rất nhiều tiêu chí, kể cả về diện tích cây xanh, kết cấu và những điều kiện phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo an toàn hơn cho người dân khi sinh sống tại đây. Đây cũng là một trong những giải pháp mà chúng ta cần phải tập trung quan tâm trong thời gian tới.

Phóng viên:Trong khi nhà ở xã hội thiếu, loại cho thuê càng hiếm thì ngày tại Hà Nội lại còn những khu nhà xây dựng cho sinh viên thuê tại Pháp Vân – Tứ Hiệp bị “ế”. Cậu chuyện thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa lại được đặt ra bởi nó quá lãng phí. Vậy có nên chuyển đổi mục đích của các dự án “bỏ hoang” này sang nhà ở xã hội cho thuê để phát huy hiệu quả sử dụng, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Với các dự án nhà ở xã hội, khi hình thành cũng phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, nhất là để hưởng chính sách ưu đãi như thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tỷ lệ quy hoạch… Thế những, trên thực tế, vẫn còn nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà ở cho sinh viên sau khi xây xong lại không hấp dẫn đối tượng thụ hưởng. Nguyên nhân chính vì các dự án này chưa đáp ứng được các tiêu chí khác ngoài tiêu chí yêu cầu về loại hình đầu tư phát triển dành riêng cho nhà ở xã hội.

Cụ thể đó là về vị trí, hạ tầng hay các dịch vụ đi kèm không đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Tiêu chí cho nhà ở xã hội và công nhân thì cần có hạ tầng thuận lợi, gần bến xe buýt, khoảng cách kết nối hợp lý, có công trình phúc lợi khác như trường học… Nếu các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hay cho sinh viên chỉ đơn thuần ở mức xây 1 dãy nhà, tòa nhà thì chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Do đó, họ vẫn chọn thuê nhà trọ từ tư nhân để phù hợp với cuộc sống.

Theo tôi, trước khi quy hoạch, xây dựng các dự án nhà ở xã hội cần phải khảo sát kỹ nhiều yếu tố. Hơn nữa, từ lâu đã có chủ trương di dời các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội nhưng điều này cũng chưa làm được nhiều. Chính vì vậy, vẫn tạo sức ép hạ tầng rất lớn cho Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là khu vực nội đô - nơi có đông các trường đại học tập trung với số lượng lớn sinh viên theo học; trong đó có nhiều sinh viên ngoại tỉnh buộc phải thuê nhà trọ xung quanh trường. Trong khi đó, sinh viên lại thường lựa chọn những khu nhà trọ giá rẻ.

Nếu bây giờ chúng ta rốt ráo làm tốt công tác di dời các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội thì sẽ giảm tải được một phần nào áp lực lên các khu nhà trọ này.

Phóng viên: Những vụ hỏa hoạn vẫn liên tục xảy ra. Vậy theo đại biểu, làm thế nào để quản lý nhằm hạn chế tối đa thiệt hại nghiêm trọng?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi nghĩ rằng vấn đề phòng cháy, chữa cháy đã được nói đến rất nhiều. Các vụ cháy, nổ xảy ra thường xuyên, hầu như không năm nào không có với nhiều hậu quả rất thương tâm. Tuy nhiên, nếu như để rà soát một cách triệt để trên địa bàn lớn như thành phố Hà Nội thì đấy là một việc rất khó khăn. Bởi vì trên thực tế, khu chung cư mini hay các khu nhà trọ mọc lên rất nhiều theo nhu cầu.

Nếu xử lý theo hướng tất cả khu nhà trọ và chung cư mini không đảm bảo tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy phải đóng cửa, không được cho thuê nữa thì sẽ dẫn đến những hệ lụy nhất định. Trước tiên là với chủ đầu tư thì đây là tài sản - phương tiện để kinh doanh mang lại thu nhập cho họ. Nếu phải dừng lại thì họ cũng sẽ gặp khó khăn.

Nhưng quan trọng hơn nữa, nếu dừng ngày các trọ này thì tất cả những người lao động có thu nhập thấp, sinh viên đang sinh sống trong những khu nhà đấy đi đâu, về đâu. Đây cũng là một bài toán khó bởi số lượng người này không hề nhỏ.

Cho nên, nếu cùng một lúc mà chúng ta làm theo hướng đó thì sẽ tác động lớn đến xã hội nhưng mặt khác lại cũng không thể buông lỏng được. Theo tôi, những quy định về phòng cháy, chữa cháy đã có trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Bây giờ, cần phải rà soát tích cực và có phương án đối với từng loại hình và không thể có một phương án hay công thức chung được.

Ví dụ như những loại hình nhà cho thuê trọ chật hẹp, nhiều tầng, nằm trong ngõ sâu khiến xe cứu hỏa không thể tiếp cận nhanh chóng và vào tận nơi được. Nhưng cũng không thể mở đường thì thay vào xử lý theo hướng kiểm tra kết cấu, công năng, giải pháp thoát hiểm.

Trên thực tế, phần lớn các nhà bị cháy mà có nhiều người tử vong thường do không có lối thoát hiểm. Vậy nên chăng phải yêu cầu nhà cho thuê ít nhất là phải đảm bảo được lối thoát hiểm để khi có tai nạn, hỏa hoạn xảy ra thì người ở trong nhà có thể nhanh chóng phát hiện và thoát ra an toàn. Đây cũng không phải là phương án quá khó khăn để thực hiện.

Cùng đó, cần tập huấn về phòng, chống cháy nổ, kỹ năng ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra. Hiện nay, tôi cảm giác rằng chúng ta chỉ làm rốt ráo mỗi khi có một vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra thì lại tập trung vào biện pháp đó. Nhưng sau đó, nó lại bị “trôi” đi.

Vì vậy, việc tập huấn nên làm thường xuyên, hằng năm. Đặc biệt, ý thức con người cũng rất quan trọng. Một trong số những nguyên nhân xảy ra những vụ cháy thương tâm nó nằm ở ý thức của con người. Ngay cả chủ nhà hay người thuê trọ cũng cần cẩn trọng đối với những hành vi của mình. Bởi vì theo thống kê có rất nhiều vụ cháy xảy ra là do sự chủ quan do hành vi của con người, từ việc không ngắt các thiết bị điện tử, sử dụng các thiết bị điện không đúng quy chuẩn… Tất cả những điều đấy đều là nguyên nhân dẫn đến cháy và đều tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục