Saudi Arabia muốn vay nợ nước ngoài 6-8 tỷ USD

11:30' - 10/03/2016
BNEWS Saudi Arabia đang tìm kiếm một khoản vay khoảng 6-8 tỷ USD từ ngân hàng nước ngoài trong năm nay. Đây sẽ là khoản vay nước ngoài giá trị lớn đầu tiên của nước này trong hơn một thập kỷ qua.
Saudi Arabia muốn vay nợ nước ngoài 6-8 tỷ USD. Ảnh minh họa: TTXVN

Các nguồn tin thân cận cho hay Riyadh đã đưa ra yêu cầu để các chủ nợ xem xét việc mở rộng thêm thời hạn vay USD có kỳ hạn 5 năm và có thể tăng thêm, nhằm giúp khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách cao như hiện nay do giá dầu xuống thấp kỷ lục.

Tuần trước, hãng tin Reuters cho biết Saudi Arabia đã yêu cầu các ngân hàng thảo luận về đề xuất một khoản vay quốc tế, nhưng các chi tiết về giá trị và kỳ hạn của khoản vay này không được tiết lộ.

Trong năm 2015, thâm hụt ngân sách của vương quốc xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông này lên tới gần 100 tỷ USD. Chính phủ Saudi Arabia hiện đang phải lấp khoảng trống ngân sách bằng cách rút các khoản đầu tư và tài sản lớn ở nước ngoài về nước, đồng thời phát hành trái phiếu trong nước.

Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ là tạm thời và nếu tình hình kéo dài thêm sẽ đặt ra một loạt vấn đề đối với Saudi Arabia, trong đó có thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.

Các nguồn tin này cho hay công ty tư vấn Verus Partner có trụ sở tại London đang giữ vai trò làm cố vấn cho Chính phủ Saudi Arabia liên quan tới các khoản vay nước ngoài nói trên.

Công ty Verus Partner đã gửi đề xuất về khoản vay cho một nhóm nhỏ các ngân hàng thay mặt Bộ Tài chính Saudi Arabia. Dự kiến Saudi Arabia có thể sẽ tiến hành phát hành trái phiếu quốc tế ngay trong năm nay.

Các nhà phân tích cho rằng tổng khoản vay nợ của chính phủ sáu quốc gia xuất khẩu dầu mỏ vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia, có thể lên tới hơn 20 tỷ USD trong năm 2016 - một sự thay đổi lớn so với những năm trước đây, khi mà sáu nước này luôn ở trong tình trạng thừa ngân sách và chỉ chuyên cho các nước khác vay nợ.

Tất cả 6 nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã và đang phải đưa ra các yêu cầu đi vay nợ quốc tế nhằm đối phó với tình cảnh giá dầu thấp hiện nay.

Vào giữa tháng Hai năm nay, hãng đánh giá tín dụng Standard & Poor's đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Saudi Arabia hai bậc xuống A-. Tuần trước, hãng đánh giá tín dụng Moody's cũng đặt Saudi Arabia vào diện xem xét có thể hạ mức tín nhiệm.

Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết một khoản vay của Saudi Arabia có thể dễ dàng được các nhà cung cấp tín dụng quốc tế đáp ứng vì sự giàu có của vương quốc Trung Đông này. Tài sản nước ngoài ròng của Saudi Arabia ước khoảng gần 600 tỷ USD, trong khi mức nợ công nằm trong số những nước thấp nhất thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục