SCIC: Tìm thời điểm để thoái vốn thành công

09:17' - 30/12/2017
BNEWS Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) gần như hoàn thành kế hoạch thoái vốn về giá trị trong năm 2017 sau việc thoái vốn ở Vinamilk thành công thu về gần 9.000 tỷ đồng.

Theo quy định của Chính phủ, SCIC sẽ tiếp tục thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp có thương hiệu lớn khác trong thời gian tới như Công ty cổ phần (CTCP) Nhựa Bình Minh (BMP), CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP), CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), CTCP FPT….

Vậy SCIC sẽ làm gì để có thể thoái vốn thành công ở những doanh nghiệp này. Xoay quanh câu chuyện này phóng viên BNEWS đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC.

BNEWS: Thưa ông, đến thời điểm này, việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đã được SCIC thực hiện thế nào và kết quả thực hiện ra sao ?

Ông Nguyễn Đức Chi: Trong 10 năm qua, thông qua các hoạt động tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thông qua thực hiện vai trò cổ đông nhà nước, SCIC đã triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện nhà nước không cần nắm giữ.

Từ khi thành lập đến nay, trong số gần 1.000 doanh nghiệp (DN) tiếp nhận, SCIC đã bán vốn tại 961 DN; trong đó bán hết vốn tại 862 DN, bán một phần vốn tại 80 DN và bán quyền mua tại 19 DN với giá vốn là 7.763 tỷ đồng và thu về 27.215 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá vốn.

Trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn theo lộ trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, SCIC sẽ thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam Vinaconex (VCG), FPT….

Đây là những doanh nghiệp có vốn của SCIC đang kinh doanh rất hiệu quả và có thể nói là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực hoạt động của mình. Nhiều doanh nghiệp trong số đó đã trở thành đích ngắm của nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn trong và ngoài nước.

BNEWS: Thưa ông, mỗi động thái của SICI liên quan đến câu chuyện thoái vốn đều thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Vậy việc thoái vốn được SCIC thực hiện ra sao để có thể đảm bảo minh bạch thông tin và thành công cho mỗi lần thoái vốn?

Ông Nguyễn Đức Chi: Nhiều năm nay, SCIC luôn được chọn làm tiên phong trong việc áp dụng các phương thức bán mới để bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ chế đặc thù và mang tính đột phá trong thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được SCIC triển khai trong hơn 10 năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực: hạ giá khởi điểm, bán thỏa thuận, bán đấu giá cả lô...

Qua hơn 10 năm triển khai, việc bán vốn tại doanh nghiệp của SCIC từng bước được chuẩn hóa và mang tính chuyên nghiệp hơn khi lựa chọn hợp lý và đúng quy định danh mục doanh nghiệp bán vốn, nghiên cứu kỹ tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán, tổ chức bán công khai minh bạch, có mạng lưới nhà đầu tư tốt, thực hiện tái cấu trúc lại doanh nghiệp trong từng trường hợp nhằm gia tăng giá trị vốn để thực hiện bán vốn.

Bên cạnh đó, quy trình bán vốn tại SCIC được triển khai chặt chẽ, công khai, minh bạch như sau: thuê Công ty tư vấn (Công ty chứng khoán) xác định giá khởi điểm bán cổ phần của nhà nước để tham khảo. Các bộ phận, chức năng của SCIC thẩm định, thống nhất đề xuất giá khởi điểm, thời điểm bán để Tổng giám đốc quyết định bán đấu giá cổ phần. Việc định giá khởi điểm được áp dụng nhiều phương pháp định giá để lựa chọn giá bán hợp lý; thực hiện quá trình công bố thông tin bán cổ phần, tổ chức bán cổ phần, công bố thông tin về kết quả bán cổ phần…

BNEWS: Thưa ông, bên cạnh những thông tin minh bạch mà các nhà đầu tư nhận được từ SCIC thì các nhà đầu tư cần nắm bắt thêm những vấn đề gì khi quyết định mua cổ phần tại các DN mà SCIC sắp đưa ra thị trường?

Ông Nguyễn Đức Chi: Về thủ tục thoái vốn, SCIC dựa vào chào bán cạnh tranh để chọn nhà đầu tư. Quá trình này thông thường sẽ bao gồm thuê bên tư vấn, tổ chức roadshow (trong nước và quốc tế), tiến hành định giá để đưa ra giá khởi điểm và tổ chức một buổi đấu giá.

Quá trình cuối cùng của việc thoái vốn là việc hoàn tất giao dịch với nhà đầu tư trúng giá thông qua sàn chứng khoán (nếu giá thắng thầu nằm trong biên độ) hoặc tại Trung tâm lưu ký chứng khoán VSD (nếu giá thắng thầu không nằm trong biên độ).

Vừa qua, một số cơ chế tạo điều kiện hơn cho các nhà đầu tư tham gia đấu giá cũng đã được SCIC xin phép các cơ quan nhà nước và được phép áp dụng như: việc miễn chào mua công khai, cho phép đặt cọc bằng ngoại tệ…. Nhà đầu tư được phép nộp mã số giao dịch muộn (gia hạn nhiều nhất 15 ngày sau ngày thanh toán).

Cùng với đó, nhà đầu tư có thể đặt cọc bằng USD, giao dịch ký quỹ có thể được thực hiện ở tất cả các ngân hàng được cấp thẩm quyền (năm ngoái chỉ có thể đặt cọc bằng VND).

Mặt khác, nhà đầu tư chỉ cần chuẩn bị 100% giá trị giao dịch vào ngày thanh toán vì tiền đặt cọc cũng là một phần của thanh toán (năm 2016, nhà đầu tư phải chuẩn bị 110% giá trị thanh toán và được hoàn lại 10% sau khi giao dịch hoàn tất).

BNEWS: Việc thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp tới đây sẽ cho nhà đầu tư có nhiều cơ hội lựa chọn và tạo một nguồn cung hàng lớn. Vậy ông đánh giá thế nào về sức hấp thụ của thị trường trong thời gian tới ?

Ông Nguyễn Đức Chi: Đến thời điểm hiện tại, chúng ta thấy rằng, với nhiều giải pháp của Chính phủ, kinh tế Việt Nam qua các quý năm 2017 trở nên tốt hơn và tạo ra một tinh thần lạc quan hơn cho cộng đồng nhà đầu tư và DN. Qua hoạt động quản lý kinh doanh vốn nhà nước ở DN của SCIC, tốc độ tăng trưởng doanh thu và kết quả lợi nhuận của các DN trong danh mục của SCIC trong quý 2, quý 3 tốt hơn.

Từ bức tranh tổng thể tới chi tiết thì nhà đầu tư có niềm tin vào sự tăng trưởng và điều này là tiền đề kỳ vọng năm 2018 có bức tranh sáng và cơ hội sẽ dành cho tất cả nhà đầu tư có thể gặt hái được thành công.

Với DN được thoái vốn sắp tới, có thể thấy rằng đa số là những DN có vị thế đầu ngành, kinh doanh hiệu quả, có nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư như thương hiệu, thị trường, nhân sự và cả bề dày lịch sử hoạt động. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang trông chờ các đợt cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Việt Nam để có cơ hội mua được số lượng lớn cổ phần. Họ cũng so sánh quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với các thị trường khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan để thấy Việt Nam chưa tận dụng tốt nguồn lực kinh tế đại chúng.

Theo chúng tôi nhận định, nếu có hàng tốt và mức giá hợp lý thì thị trường vẫn có thể đón nhận. Tuy nhiên, việc SCIC quyết định đưa doanh nghiệp nào ra thị trường thời điểm nào chúng tôi bàn bạc rất kỹ chứ không phải cứ thế ra thị trường còn kệ bán được hay không bán được. Ở đây tôi vẫn muốn nói việc việc thoái vốn nhà nước ở DN phải xem xét cụ thể với trường hợp cụ thể phương án thoái vốn tỷ lệ thoái vốn của từng DN thì chúng ta mới kỳ vọng thương vụ đó thành công trên nhiều phương diện.

Nhiều hàng hóa hấp dẫn cùng chào sân sẽ khiến cán cân cung cầu bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, bên cạnh sự quyết liệt trong công tác thoái vốn của các bộ, ngành và SCIC thì những tính toán về thời điểm bán, cách thức tiếp cận thị trường là cần thiết để đảm bảo tính khả thi cũng như tối đa hóa lợi nhuận phần vốn nhà nước.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục